Văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh dành cho học sinh lớp 9

Văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh dành cho học sinh lớp 9

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh được chia sẻ trong bài viết dưới đây để có thể làm bài tốt hơn nhé!

văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh

Đề bài: Phân tích văn bản Phong cách Hồ Chí Minh

Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã cùng thế hệ cha anh ta vẽ nên một đoạn đường dài hiển hách trong lịch sử dân tộc, để rồi khiến cả thế giới phải trầm trồ kinh ngạc vì sức mạnh to lớn phi thường của một đất nước hình chữ S nhỏ bé. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, đằng sau những chiến công lừng lẫy và sự hi sinh lớn lao ấy là một tâm hồn thuần khiết và một lối sống giản dị nhưng lại vô cùng thanh tao, cao đẹp. Lối sống ấy đã được tác giả Lê Anh Trà bộc lộ một cách sâu sắc và rõ nét qua tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. 

Vẻ đẹp trong phong cách của Bác Hồ được tạo nên đầu tiên bởi sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bác Hồ bắt đầu rời xa quê hương để đi tìm đường cứu nước vào 1911 tại bến cảng Nhà Rồng. Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Bác đã có cơ hội đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Từ phương Đông đến tận phương Tây xa xôi, mỗi một đất nước Bác đặt chân tới, Bác đều quan sát một cách chăm chú và cẩn thận. 

Trên những con tàu vượt trùng dương, Bác đã ghé lại nhiều hải cảng và thăm những nước ở châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Bác cũng đã từng sống những ngày dài ở những quốc gia phồn thịnh như Pháp và Anh. Dù đi đến đâu, Bác cũng luôn giữ cho mình một tâm thế và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Bác tìm hiểu về văn hóa, tìm hiểu về nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Không chỉ thế, Bác còn nắm vững phương tiện dùng để giao tiếp chính là ngôn ngữ. Bác có khả năng nói, viết và hiểu thông thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới như Pháp, Anh, Hoa, Nga… Có lẽ, Bác hiểu sâu sắc vai trò của việc giao tiếp, bởi lẽ chỉ khi giao tiếp ta mới có thể bước chân vào một thế giới mới với vô vàn những kiến thức hay ho. Chỉ khi giao tiếp, ta mới có thể nắm chắc cơ hội được tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của từng quốc gia. Trong hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, vốn liếng của Bác chỉ là hai bàn tay trắng có khả năng lao động và một tinh thần ham học hỏi. Và rồi khi Bác trở về đất mẹ, Bác thu được rất nhiều thành quả. Đó là vốn kiến thức uyên thâm, sự tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và con đường giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho nước nhà. 

Điều quan trọng nhất trong sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của Hồ Chí Minh để tạo nên một nhân cách, một lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng cũng vô cùng hiện đại chính là Người đã tiếp thu một cách có chọn lọc. Bác Hồ chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa trên thế giới, nhưng “điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người”. Bác không hề tiếp thu một cách mù quáng hay sùng bái bất cứ một nền văn hóa nào. Người không chịu bị ảnh hưởng một cách thụ động, mà luôn biết cách tiếp thu những cái tốt đẹp nhất được tinh chế trong mỗi nền văn hóa riêng biệt. Đồng thời, Người còn phê phán những mặt hạn chế, tiêu cực trong chủ nghĩa tư bản. Để rồi, trên nền tảng văn hóa dân tộc. Bác Hồ đã tiếp thu những ảnh hưởng quốc tế và hình thành một “nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”.

Không chỉ tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của dân tộc, phong cách sống của Bác Hồ còn khiến nhiều người phải ngạc nhiên bởi lối sống vô cùng giản dị mà lại không kém phần thanh cao, tao nhã. Trên cương vị là một người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một lối sống vô cùng giản dị. “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình”. Không hề có cung điện dát vàng, cũng chẳng phải nhà cao cửa rộng với vật dụng nội thất tiện nghi, sang trọng, Bác Hồ lấy việc sống trong một ngôi nhà nhỏ nhưng gần gũi với thiên nhiên làm thú vui tao nhã của mình. Nơi chiếc sàn nhỏ ấy cũng chỉ vẻn vẹn có vài căn phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ cùng những đồ đạc hết sức mộc mạc đơn sơ. Khó có thể tin được, người đứng đầu một nước lại sống và làm việc tại một nơi giản dị đến thế. Nhưng có lẽ chính vì những điều hết sức bình dị này, đã tạo nên một phong cách sống đáng ngưỡng mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trang phục của Bác cũng vô cùng giản dị, đó là “bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn”. Những món ăn dân dã cũng thường xuyên góp mặt trong các bữa ăn của Bác, như “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Tư trang của Bác cũng chỉ có một vài món ít ỏi “một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài vật kỉ niệm của cuộc đời dài”. Một cách sống giản dị nhưng lại không hề tầm thường. 

Với trọng trách lớn lao cùng gánh nặng trên vai là tương lai của cả một dân tộc, Bác luôn là một Cha vĩ đại trong mắt hàng triệu con người mang trong mình dòng máu Việt. Thế nhưng, con người ấy có thể hi sinh không tiếc thứ gì vì Tổ quốc, mà lại tiết kiệm với chính mình, sống một cách tối giản đến mức tối đa. Bác sống vô cùng giản dị, mộc mạc, hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng thú vui tao nhã của cái đẹp giàu có, cái đẹp vô tận trong thiên nhiên. Cuộc sống của Bác là sự phản chiếu chiều sâu văn hóa, nó bắt nguồn từ quan điểm sống đẹp đẽ, lành mạnh mà mang đầy nét thanh cao. Đó là cái đẹp nằm trong sự dung dị, gần gũi, và rất đỗi đời thường. Lối sống của Bác không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó, càng không phải là cách tự thần thánh hóa, tự làm cho bản thân khác người, hơn đời. Mà lối sống của Bác chính là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp là sự giản dị và tự nhiên. 

Từ lối sống bình dị mà thanh cao của Bác, tác giả đã có sự liên tưởng đến cách sống của các vị hiền triết trong lịch sử nước nhà, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là những lối sống có nét tương đồng bởi sự giản dị, thanh cao và niềm vui trong cuộc sống đạm bạc khi hòa mình vào thiên nhiên đã di dưỡng tinh thần. Nhưng giữa Bác và các bậc hiền triết ấy vẫn có những nét khác biệt rõ nét. Những bậc hiền triết ngày xưa là người sống trong thời trung đại, nên họ đã thấm nhuần những tinh túy của nền văn hóa Nho giáo. Còn Bác là một con người hiện đại, phong cách của Bác là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa thế giới và tinh hoa văn hóa dân tộc. Vì thế, phong cách của Bác còn mang những nét đẹp rất mới lạ và rất hiện đại.

Bằng những lời văn nhẹ nhàng mà tha thiết, Lê Anh Trà đã giúp người đọc khám phá sự hình thành phong cách Hồ Chí Minh và những nét đẹp đáng tự hào sâu bên trong con người bình dị ấy. Đó là một phong cách có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, giữa sự vĩ đại và bình dị. Để rồi từ đó, chúng ta thêm khâm phục, kính yêu và học tập theo tấm gương giản dị mà thanh cao trong lối sống của Bác.

Đó là bài văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh mà các bạn học sinh lớp 9 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 9

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *