Soạn văn Phong cách Hồ Chí Minh chi tiết dành cho học sinh lớp 9 

Soạn văn Phong cách Hồ Chí Minh chi tiết dành cho học sinh lớp 9 

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Phong cách Hồ Chí Minh chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Phong cách Hồ Chí Minh

Giới thiệu văn bản:

Phong cách Hồ Chí Minh là một loại văn bản nhật dụng thuộc chủ đề về sự hội nhập với thế giới và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua văn bản này, hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam vô cùng giản dị nhưng lại không kém phần thanh cao như hiện lên trước mắt người đọc. Phong cách Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp một cách hài hòa giữa tinh hoa văn hóa nhân loại và tinh hoa văn hóa dân tộc. Từ đó, chúng ta thêm tin yêu phong cách cao đẹp toát lên từ lối sống của Bác và không ngừng tự nhắc nhở bản thân phải học tập và rèn luyện theo gương Bác Hồ.

Bố cục được chia làm 3 phần

  • Phần 1: Từ đầu đến “rất hiện đại”: Hồ Chí Minh có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “hạ tắm ao”) : những vẻ đẹp trong phong cách của Hồ Chí Minh.
  • Phần 3: Đoạn còn lại: ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh.

Đọc – hiểu văn bản

Câu 1: Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào? Vì sao Người lại có được vốn tri thức sâu rộng như vậy?

Trả lời: 

Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng sâu rộng. Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Bác đã có cơ hội được tiếp xúc với văn hóa của nhiều vùng trên thế giới, từ phương Đông đến phương Tây. Người có sự hiểu biết sâu rộng về các nền văn hóa của các nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mĩ. Để có được vốn kiến thức văn hóa sâu rộng đó, Bác đã tiếp thu qua:

  • Bác biết cách nắm vững phương tiện giao tiếp là ngôn ngữ. Bác có thể nói và viết thành thạo rất nhiều tiếng nước ngoài, như Pháp, Anh, Hoa, Nga…
  • Bác tiếp thu nền văn hóa thế giới qua công việc, qua lao động từ nhiều nghề khác nhau và sự học hỏi bền bỉ, hăng say đến mức uyên thâm.
  • Tuy nhiên, sự tiếp thu ấy luôn được Người thu nhận một cách có chọn lọc. Bác không chịu bị ảnh hưởng một cách thụ động, sùng bái văn hóa nước ngoài. Bác luôn tiếp thu mọi cái đẹp, cái hay nhưng lại không quên phê phán những điểm hạn chế, tiêu cực. Đặc biệt, Bác đã dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc mà tiếp thu những ảnh hưởng của quốc tế. 

Câu 2: Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào? 

Trả lời: 

Lối sống bình dị của Bác được thể hiện một cách rõ nét qua nơi ở, nơi làm việc, qua trang phục và cách ăn uống đơn sơ. Cụ thể là:

  • Nơi sinh sống, nơi làm việc: vô cùng đơn sơ, chỉ với “một chiếc sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao”, “chiếc sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn vài phòng tiếp khách”.
  • Trang phục và cách ăn mặc: vô cùng giản dị với “bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép thô sơ”, “một chiếc va li con với vài bộ quần áo”.
  • Ăn uống: đơn sơ, đạm bạc: “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”.

Đây là nét đẹp của lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam trong phong cách Hồ Chí Minh. Nó làm ta nhớ đến cách sống của các vị hiền triết trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… và là một vẻ đẹp của cuộc sống gắn với thú vui làng quê đạm bạc mà thanh cao.

Câu 3: Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao? 

Trả lời: 

Ở cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Bác lại có một lối sống vô cùng giản dị. Nó được thể hiện ở nơi ở, nơi làm việc đơn sơ,  trang phục giản dị và thói quen ăn uống vô cùng đạm bạc của Bác.

Tuy nhiên, trong sự dân dã, giản dị ấy là một nét đẹp vô cùng thanh cao, sang trọng. Đây không phải là lối sống khắc khổ của con người trong cảnh nghèo khó. Đây cũng không phải là cách tự thần thánh làm khác đời, hơn đời. Mà đây là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mỹ chính là: cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên. Đồng thời, lối sống của Bác làm ta hoài tưởng đến lối sống của các bậc hiền triết ngày xưa. Họ cũng ẩn mình nơi núi rừng, làng quê để sống một cuộc sống bình thường nhưng lại hết mực thanh cao.

Câu 4: Nêu cảm nhận của em về những nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh. 

Trả lời: 

Phong cách Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp một cách hài hòa và trọn vẹn giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã không ngừng học tập, không ngừng tiếp thu những kiến thức văn hóa mới. Nhưng Bác không hề bị dắt theo cái lối mòn nào đó, mà luôn biết cách tiếp thu có chọn lọc dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc. Phong cách ấy còn chứa đựng nét đẹp của lối sống giản dị và thanh cao trong mọi mặt cuộc sống Chính vì thế, chúng ta cần phải học tập và rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh, phải giữ tinh thần hòa nhập với khu vực và quốc tế nhưng vẫn luôn giữ gìn phát huy bản sắc của dân tộc. 

Đó là cách soạn văn Phong cách Hồ Chí Minh chi tiết mà các bạn học sinh lớp 9 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 9 hoặc trong list bài soạn văn 9

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *