Văn mẫu Mẹ tôi hay nhất dành cho học sinh lớp 7

Văn mẫu Mẹ tôi hay nhất dành cho học sinh lớp 7

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách bài văn mẫu Mẹ tôi dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

văn mẫu mẹ tôi

Đề: Phân tích đoạn trích “Mẹ tôi”

“Không ai có thể hiểu những đau khổ, hay nỗi kinh hoàng dâng lên trong lồng ngực, nếu người đó không hiểu trái tim của một người mẹ”. Người mẹ muôn đời nay vẫn thế, vẫn luôn dành trọn cuộc đời mình cho gia đình, dành trọn trái tim mình cho con. Ấy thế mà, không ít lần ta làm cho bờ vai hao gầy ấy phải run lên vì những lỗi lầm ta đã vô tình gây ra. Trong “Mẹ tôi”, người đọc như nhìn thấy chính bản thân mình trong đó, để rồi trong lòng dâng lên một nỗi xúc động nghẹn ngào. Câu chuyện là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có những hành động sai trái đối với đấng sinh thành, đồng thời, nó cũng là một bài học đắt giá về cách ứng xử trong gia đình và xã hội mà tác giả gửi gắm đến bạn đọc thông qua bức thư mà người bố gửi đến En-ri-cô.

Vì đứa con vô tình gây ra lỗi lầm bằng một hành động thiếu lễ độ với mẹ khi cô giáo đến thăm nhà, nên người bố đã vô cùng tức giận và viết thư gửi cho En-ri-cô. Bức thư đó đã thể hiện thái độ, tình cảm và suy nghĩ của người bố. Đó là một thái độ bất bình và căm phẫn trước lỗi lầm mà con đã gây ra. Trong truyện, tác giả không hề đề cập cụ thể đến hành động thiếu lễ độ của En-ri-cô. Có lẽ, lỗi lầm ấy cụ thể như thế nào chẳng còn quan trọng nữa rồi, bởi vì chỉ cần là một hành động nhỏ khiến cho người mẹ – người đáng kính trọng nhất trong cuộc đời mỗi người phải đau buồn thì đó chính là một cái tội lớn. 

Chính vì lẽ đó, mà sự hỗn láo của En-ri-cô “như một nhát dao đâm vào tim” bố và ông cảm thấy tức giận khi đứa con đã quên đi công ơn sinh thành của người mẹ mà xúc phạm đến bà. Bên cạnh sự nghiêm khắc, răn đe đó, người bố đã nhẹ nhàng khuyên nhủ và gợi nhớ lại cho En-ri-cô những gì mà mẹ đã âm thầm chịu đựng vì cậu. Đó là lần cậu bị ốm nặng, “mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con”. Người mẹ đó có thể “sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”. Qua chi tiết này, hình ảnh một người mẹ đang kinh hãi tột cùng vì nỗi sợ mất con mà chẳng thể nào chợp mắt trong đêm như ám ảnh tâm can người đọc. Người mẹ ấy có thể vì con mà hi sinh mọi thứ, kể cả sinh mệnh và hạnh phúc của đời mình. Lời người bố như một vết dao vô hình âm thầm cứa vào tim của không chỉ riêng En-ri-cô, mà còn của tất cả chúng ta. Có ai mà chưa một lần ốm nặng, và rồi nhìn thấy cảnh mẹ thức trắng đêm vì lo lắng cho chúng ta? Ấy vậy mà, chúng ta lại quá nhiều lần khiến cho người mẹ ấy phải buồn lo, phải bật khóc vì những hành động, những cử chỉ vô tình?

Người cha thương con bằng sự nghiêm khắc, còn người mẹ thương con bằng tấm lòng hiền hậu, bao dung. Từ thuở còn trong bụng mẹ đến lúc con chào đời, mẹ biết mình phải gánh chịu một cơn đau kinh khủng để chào mừng con đến với thế giới tươi đẹp này. Nhưng người mẹ chẳng bao giờ lo sợ về điều đó, thậm chí là những rủi ro cũng không làm mẹ chùn bước. Đến ngày được gặp con, mẹ luôn nghĩ đó là ngày đẹp nhất trên đời. Cứ thế thời gian mãi trôi, mẹ chắt chiu từng dòng sữa nuôi con khôn lớn đến độ hao gầy thân xác. Nhưng đã bao giờ, ta nghe mẹ than vãn? Những sự hi sinh ấy, mẹ cho đi một cách thầm lặng mà không cần được báo đáp. Cứ thế, con lớn lên từng ngày trong vòng tay ấm áp cùng tiếng ru hời của mẹ. Mẹ dạy con những tiếng nói đầu đời, mẹ dắt con những bước chân đầu tiên. Công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn tựa biển là thế, mà sao con nỡ xúc phạm đến người mà đáng ra con nên kính trọng và trân quý?

Sự hỗn láo của En-ri-cô khiến người bố thất vọng vô cùng khi chứng kiến đứa con mình yêu thương lại có những hành động không thể chấp nhận đối với người mẹ của nó. “Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ”. Vì muốn con hiểu ra lỗi lầm của mình, ông đã luôn gợi nhắc cho En-ri-cô về những gì mẹ đã hi sinh vì cậu, và niềm hạnh phúc lớn nhất mà cậu đang nắm giữ chính là vẫn được mẹ yêu thương, vỗ về. Sẽ đến một thời điểm nào đó, cậu bé sẽ không còn được nhìn thấy bóng dáng thân quen của mẹ nữa, cũng chẳng thể được mẹ quan tâm, chăm sóc như mọi ngày. Thời điểm đó, thứ in sâu trong tâm trí cậu để rồi dằn vặt cậu từng giờ chính là những lồi lẫm cậu đã gây ra trong quá khứ khiến mẹ phải buồn phiền. Vì thế, hãy sửa chữa lỗi lầm và trân trọng thứ tình cảm cao đẹp kia trước khi đã quá muộn.

Niềm hạnh phúc và sự may mắn lớn nhất cuộc đời chúng ta là vẫn còn được mẹ che chở, đùm bọc. Dù con ngoài dòng đời kia có vấp ngã, có tài giỏi hay thất bại, thì mẹ vẫn sẽ luôn là lối về yêu thương đáng tin cậy nhất của các con. Chính vì lẽ đó, nếu ai đó đã vô tình hay cố ý chà đạp lên tình mẫu tử thiêng liêng ấy, thì họ không xứng đáng làm người và sớm muộn gì họ cũng sẽ mang theo nỗi ân hận ấy đến tận cuối đời. 

Cuối thư, người bố đã khuyên con bằng thái độ nghiêm khắc, rằng con không bao giờ được nói nặng với mẹ và con phải xin lỗi mẹ bằng sự thành khẩn trong lòng chứ không phải vì sợ bố. Ẩn trong sự nghiêm khắc đó, người đọc như nhận thấy một giọng điệu khác vào những câu tiếp theo. Đó là sự dịu dàng, tha thiết đầy sâu lắng. Lúc này, người cha đã dùng cái lý để phê phán và lấy cái tình để khuyên nhủ, dạy dỗ con. Sau bức thư này, En-ri-cô đã cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ về lỗi lầm của mình. Có lẽ, điều này không chỉ xuất phát từ những lời khuyên sâu sắc của bố, mà nó còn đến từ sự kính yêu của cậu bé dành cho bố mẹ. 

Khá nhiều người đọc cảm thấy thắc mắc khi người bố không nói trực tiếp với con mà phải truyền đạt thông qua một bức thư. Có lẽ, người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà viết thư vì đây là hình thức nói riêng cho người có lỗi để họ có thể tự chiêm nghiệm, tự suy ngẫm về hành động sai trái của mình. Bên cạnh đó, tình cảm thường khá tế nhị và kín đáo, đôi khi có những điều không thể trực tiếp nói bằng lời được. Vì thế, việc viết thư sẽ giúp người mắc lỗi không mất lòng tự trọng khi chị chỉ trích lỗi lầm. Đây cũng chính là một bài học về cách ứng xử trong gia đình và trong xã hội mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông qua bức thư bố gửi En-ri-cô.

Trong trái tim của mỗi người, hình ảnh người mẹ luôn hằn sâu và sáng đẹp một cách lạ thường. Hãy nhớ rằng, được lớn lên trong vòng tay yêu thương, chở che của mẹ là một sự may mắn lớn nhất mà thượng đế ban tặng cho bạn. Vì thế, đừng vì những phút nóng giận mà lỡ lầm khiến cho bờ vai hao gầy của mẹ thêm phần nặng trĩu. Hãy luôn yêu thương, quý trọng và kính yêu bố mẹ khi bạn còn có thể, bạn nhé!

Đó là bài văn mẫu Mẹ tôi hay nhất mà các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 7

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *