Soạn văn Mẹ tôi chi tiết nhất dành cho học sinh lớp 7

Soạn văn Mẹ tôi chi tiết nhất dành cho học sinh lớp 7

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Mẹ tôi chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn mẹ tôi

Tóm tắt văn bản

Vì đứa con vô tình gây ra lỗi lầm bằng một hành động thiếu lễ độ với mẹ, người bố đã viết thư gửi cho En-ri-cô để nhắc nhở về hành động sai trái của cậu. Trong thư, người bố đã thể hiện sự tức giận và buồn bã khi con lại có hành động đó đối với mẹ – một người sẵn sàng hi sinh mọi thứ của mình vì con. Trước thái độ nghiêm khắc cùng những lời khuyên mà người bố đã thể hiện trong bức thư, En-ri-cô cảm thấy vô cùng hối hận vì hành động của mình!

Giới thiệu văn bản

Sự hi sinh lớn lao cùng tình yêu thương vô bờ bến mà người mẹ dành cho con mình luôn là một chủ đề được nhiều thi nhân khai thác. Trong “Mẹ tôi”, tác giả đã tái hiện hình ảnh một người mẹ cao đẹp như thế qua bức thư mà người bố gửi cho En-ri-cô. Để rồi, người đọc như ngậm ngùi xúc động bởi tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý cùng bài học về cách ứng xử trong gia đình và xã hội mà tác giả gửi gắm thông qua câu chuyện trên!

Đọc – Hiểu văn bản

Câu 1: Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”?

Trả lời:

Nhan đề trên do chính tác giả A-mi-xi đặt cho đoạn trích. Có lẽ, tác giả đặt nhan đề như thế để thực hiện dụng ý nghệ thuật của riêng mình. Khi đọc kỹ tác phẩm, người đọc sẽ nhận thấy dẫu bà mẹ không trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện, nhưng đây lại là nhân vật tiêu điểm mà các nhân vật cũng như các chi tiết khác trong truyện đều hướng tới. Từ đó, qua bức thư mà người bố gửi cho con, hình ảnh một người mẹ với đức hi sinh cao cả cùng tình yêu thương con vô bờ bến đã hiện ra trước mắt người đọc. Phải chăng không để người mẹ xuất hiện trực tiếp cũng chính là cách tác giả dễ dàng bộc lộ những tình cảm và thái độ quý trọng mà người bố dành cho mẹ. 

Qua cái nhìn của bố về hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của người mẹ, điều đó đã làm tăng sự khách quan cho sự việc. Đồng thời, bộc lộ rõ nét tính cảm và thái độ mà người kể muốn gửi gắm thông qua câu chuyện. 

Câu 2: Thái độ của người bố đối với En-ri-cô qua bức thư là thái độ như thế nào? Dựa vào đâu mà em biết được? Lý do gì đã khiến ông có thái độ ấy?

Trả lời:

Người bố phát hiện En-ri-cô phạm lỗi khi “cô giáo đến thăm, khi nói với mẹ, tôi có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ” đã vô cùng buồn bã, thất vọng và tức giận. Những cảm xúc của ông được thể hiện một cách rõ nét qua các chi tiết trong bức thư ông gửi cho En-ri-cô như:

“Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy”

“Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó”

“Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ”

“Thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ”

“Trong một thời gian con đừng hôn bố: bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”

Câu 3: Trong truyện có những hình ảnh, chi tiết nào nói về người mẹ của En-ri-cô. Qua đó, em hiểu mẹ của En-ri-cô là người như thế nào?

Trả lời:

Những chi tiết nói về người mẹ của En-ri-cô:

“Mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con”.

“Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”.

“Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hy sinh tính mạng để cứu sống con”

Mẹ của En-ri-cô là một hình mẫu điển hình cho mọi bà mẹ trên thế gian này. Đó là một người mẹ có lòng yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh mọi thứ của cuộc đời mình chỉ mong con được hạnh phúc.

Câu 4: Theo em, điều gì đã khiến En-ri-cô “xúc động vô cùng” khi đọc thư của bố? Hãy tìm hiểu và lựa chọn những lý do mà em cho là đúng trong các lý do sau:

a. Vì bố gợi lại những kỉ niệm giữa mẹ và En-ri-cô.

b. Vì En-ri-cô sợ bố.

c. Vì thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố.

d. Vì những lời nói rất chân tình và sâu sắc của bố.

e. Vì En-ri-cô thấy xấu hổ.

Ngoài những lý do trên, có còn lý do nào khác không?

Trả lời:

Điều khiến En-ri-cô “xúc động vô cùng” chính là khi:

a. Vì bố gợi lại những kỉ niệm giữa mẹ và En-ri-cô.

c. Vì thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố.

d. Vì những lời nói rất chân tình và sâu sắc của bố.

Ngoài ra, En-ri-cô còn cảm thấy xấu hổ, hối lỗi vì hành động của mình. Đồng thời, cậu nhận thấy tình yêu thương vô bờ bến cùng sự hi sinh lớn lao của mẹ.

Câu 5: Theo em, tại sao người bố không nói trực tiếp với con mà viết thư?

Trả lời:

Người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà viết thư vì đây là hình thức nói riêng cho người có lỗi để họ có thể tự chiêm nghiệm, tự suy ngẫm về hành động sai trái của mình. Bên cạnh đó, tình cảm thường khá tế nhị và kín đáo, đôi khi có những điều không thể trực tiếp nói bằng lời được. Vì thế, việc viết thư sẽ giúp người mắc lỗi không mất lòng tự trọng khi chị chỉ trích lỗi lầm. Đây cũng chính là một bài học về cách ứng xử trong gia đình và trong xã hội mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông qua bức thư bố gửi En-ri-cô.

Đó là cách soạn văn Mẹ tôi chi tiết nhất mà các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 7 hoặc trong list bài soạn văn 7

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *