Văn mẫu Con Rồng cháu Tiên dành cho học sinh lớp 6

Văn mẫu Con Rồng cháu Tiên dành cho học sinh lớp 6

Dưới đây là bài văn mẫu Con Rồng cháu Tiên mà các em học sinh có thể tham khảo để làm bài được tốt hơn!

Đề bài: Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Con Rồng cháu Tiên là câu chuyện mở đầu cho chuỗi truyền thuyết về thời đại các vua Hùng, nó lý giải cho nguồn gốc, lý do hình thành của dân tộc Việt Nam ta. Với những chi tiết kỳ ảo được lồng ghép một cách khôn khéo trong sự kiện lịch sử, tác phẩm này đã đi sâu vào lòng người và trở thành một câu chuyện nằm lòng của mọi người, bắt đầu về một đất nước được khai sinh bởi nguồn gốc cao quý đáng tự hào. 

Văn mẫu Con Rồng cháu Tiên
Phân tích Con Rồng cháu Tiên

Câu chuyện kể về việc gặp gỡ và nên duyên vợ chồng của hai nhân vật Lạc Long Quân cùng Âu Cơ. Lạc Long Quân là một vị thần mình Rồng sống ở dưới nước. Ngài là con trai của thần Long Nữ, có sức khỏe vô địch cùng nhiều tài phép lạ thường. Mặt dù sống ở dưới nước, nhưng thần vẫn thường lên cạn để giúp đỡ con người diệt trừ các loại yêu thú, quái vật gây hại dân lành. Đồng thời, vị thần ấy còn dạy cho dân cách “trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở”. Mỗi khi có việc cần, Lạc Long Quân luôn có mặt và được xem như một vị anh hùng bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân.

Về Âu Cơ, nàng thuộc dòng họ Thần Nông, là một nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần. Trong một chuyến ghé thăm miền đất Lạc Việt, nàng đã gặp Lạc Long Quân và cả hai cùng đem lòng yêu nhau rồi kết duyên vợ chồng. Cả hai đều mang trong mình xuất thân vô cùng cao quý, lại được người kể thêu dệt thêm nhiều chi tiết hư ảo nên càng nổi bật phẩm chất đặc biệt, vượt trội hơn người. “Rồng” là một biểu tượng vô cùng thiêng liêng, được nhân dân ta tôn thờ đầy thành kinh bao đời nay. Còn “Tiên” là một tên gọi tượng trưng cho vẻ đẹp tuyệt trần, cao sang đầy trân quý. Sự kết hợp này phải chăng nhằm biểu đạt niềm tự hào, lòng tin yêu đối với nguồn gốc của chính dân tộc ta?

Chi tiết Âu Cơ có mang cũng vô cùng kỳ lạ. Nàng sinh ra một bọc trăm trứng, trăm trứng đó lại nở ra thành một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Không chỉ thế, đàn con lại lớn nhanh như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh khác thường mà không cần bú mớm. Dẫu hư ảo là thế, nhưng hiện tượng kỳ ảo này lại mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa vô cùng trân quý. Chúng ta – mỗi một con người mang dòng máu Việt đều là anh em, đều được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Chính vì thế, chúng ta có thể tự hào gọi nhau một tiếng đồng bào thân thương nhất!

Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ nhận thấy rằng họ không thể cùng chung sống vì nhiều lý do, họ đã quyết định chia con ra để cùng nuôi nấng. Lạc Long Quân đưa năm mươi con xuống biển, Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi để cùng chia nhau cai quản các phương. Đồng thời, khi có việc cần giúp đỡ nhau cũng không quên lời hẹn thề. 

Cuộc chia tay đã để lại một lời hẹn thề mà bất kỳ một ai là công dân Việt Nam cũng không được phép lãng quên. Rằng chúng ta là người một nhà, phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn. Đặc biệt, luôn đồng lòng đoàn kết cùng giữ vững lãnh thổ cha ông đã hằng bao công sức gánh vác.

Trong thời loạn chiến, cha ông ta đã vì lời hẹn thề xưa mà không quên sát cánh cùng nhau đánh tan mọi thế lực thù địch, mọi kẻ thù có âm mưu cướp đi mảnh đất thiêng liêng của dân tộc. Thì trong thời bình, chúng ta phải biết quý giá, trân trọng mọi thành quả của thế hệ đi trước và cùng vững bước tạo nên một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc. Bởi vì chúng ta tự hào khi mang trong mình nòi giống con Rồng cháu Tiên, nên chúng ta sẽ không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ nào. Bởi vì chúng ta mang trong mình dòng máu cao quý, nên bất kỳ ai cũng không có quyền chà đạp, xúc phạm đến văn hóa, hình ảnh dân tộc Việt Nam. 

Sau khi phân chia con để cùng nuôi nấng, “Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang”. Triều đình đã được thiết lập với đầy đủ tướng văn võ, xây dựng lên một thời đại Hùng Vương đầy oanh liệt. 

Trong truyện, người kể đã thêm vào rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nhằm làm tăng sự hấp dẫn của câu chuyện. Đặc biệt, những chi tiết tưởng tượng kì ảo trên đã góp phần tạo nên vẻ thần kì hóa, linh thiêng hóa nguồn gốc, giống nòi của dân tộc. Từ đó, dân tộc ta thêm tin yêu, tự hào và tôn kính đối với tổ tiên, đối với dòng dõi cao quý mà mình đang mang. Chúng ta có tự hào không, khi vỗ ngực tự xưng mình thuộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên?

Câu chuyện không chỉ góp phần vào việc xây dựng đất nước giàu mạnh, đoàn kết, tạo nên sức mạnh tinh thần dân tộc vững vàng mà còn giải thích, suy tôn nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của con dân đất Việt. Dân tộc Việt Nam bao đời nay vẫn luôn tin và tự hào về nguồn gốc con Rồng – cháu Tiên của mình. Để rồi chúng ta thêm tin yêu đất nước, thêm tự hào về dòng dõi cao quý của mình và không quên công ơn của những người đã khai sinh ra nòi giống, mở mang bờ cõi nước nhà!

Trên đây là nội dung bài văn mẫu phân tích truyện con rồng cháu tiên. Mời các bạn cùng xem các bài tương tự trong chuyên mục : Ngữ văn lớp 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *