Soạn văn lớp 6 bài 1 – Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Soạn văn lớp 6 bài 1 – Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên

Con Rồng cháu Tiên là một truyền thuyết được nhân dân Việt Nam lưu truyền bao đời nay. Câu chuyện này kể về sự gặp gỡ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, để rồi vẽ một bức tranh tình yêu đẹp cùng nguồn gốc của con dân An Nam. Hãy cùng đến với bài viết dưới đây để tìm hiểu về cách soạn văn lớp 6 bài 1 cùng những kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm rõ trong câu chuyện trên.

Soạn văn lớp 6 bài 1
Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”

Đôi nét về thể loại truyền thuyết

Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian, ra đời sau truyện thần thoại, thường có yếu tố tưởng tượng kì ảo, các nhân vật, sự kiện đều liên quan đến lịch sử, là những truyện truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong cảnh địa phương theo quan niệm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng yếu tố hư ảo, thần kỳ như cổ tích và thần thoại. (Nguồn: Wikipedia).

Bởi vì truyền thuyết được hình thành dựa trên cơ sở lịch sử, nên thể loại này vẫn được phần lớn người nghe tin là có thật dẫu có nó mang nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo. Với “Con Rồng cháu Tiên”, tác phẩm này gắn liền với sự nhận thức hư ảo về con người, đồng thời suy tôn nguồn gốc và ý thức cộng đồng của người Việt, từ đó tạo nên một truyền thuyết vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc ta.

Giới thiệu truyền thuyết Con rồng cháu Tiên

Con Rồng cháu Tiên là một sản phẩm được tạo nên từ sự hư cấu, trí tưởng tượng của dân gian. Trong truyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ – hai nhân vật thuộc hai dòng dõi cao quý khác nhau. 

Đây là câu chuyện mở đầu cho chuỗi truyền thuyết về thời đại các vua Hùng, nó lý giải cho nguồn gốc, lý do hình thành của dân tộc Việt Nam. Với những chi tiết kỳ ảo được lồng ghép một cách khôn khéo trong sự kiện lịch sử, tác phẩm này đã đi sâu vào lòng người và trở thành một câu chuyện nằm lòng của mọi người, bắt đầu về một đất nước được khai sinh bởi nguồn gốc cao quý đáng tự hào. 

Vậy, dân tộc Việt Nam có nguồn gốc như thế nào, câu chuyện giữa hai nhân vật trên sẽ đi đến hồi kết ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết!

Soạn văn lớp 6 bài 1 – Tóm tắt truyện

Ngày xưa, tại Lạc Việt có một vị thần mình Rồng, sống ở dưới nước tên là Lạc Long Quân. Với sức khỏe vô địch cùng phép lạ của mình, thần đã tiêu diệt nhiều yêu quái, chỉ dạy giúp đỡ cho dân chúng. Cùng với đó, tại vùng núi phương Bắc có nàng Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần. Trong một lần ghé thăm Lạc Việt, nàng cùng Lạc Long Quân đã gặp và đem lòng yêu nhau rồi kết duyên vợ chồng. Ít lâu sau, Âu Cơ có mang và hạ sinh một bọc trăm trứng. Bọc trăm trứng kia nở thành trăm người con xinh đẹp, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, một thời gian sau Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ và con trở về thủy cung vì quen sống dưới nước. Âu Cơ nuôi con một mình, buồn tủi nên tìm gọi Lạc Long Quân lên than thở. Sau đó, bởi vì một vị là nòi rồng, một vị là dòng tiên nên không thể cùng nhau sống chung lâu dài, nên cả hai thống nhất chia tay nhau. Lạc Long Quân đưa năm mươi con xuống biển, Âu cơ đưa 50 con lên núi để cùng cai quản khắp phương nhưng không quên giúp đỡ nhau khi có việc. Con trai cả của cả hai được tôn làm vua, lấy hiệu Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Từ sự tích đó, người Việt ta đã lấy nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên.

Trả lời các câu hỏi – Soạn văn lớp 6 bài 1

Câu 1: Những chi tiết thể hiện tính chất kì lạ, cao quý của Lạc Long Quân và Âu Cơ?

Kỳ lạ, cao quý về nguồn gốc và hình dạng

Lạc Long Quân là con của thần Long Nữ, thần mình Rồng, có sức khỏe vô địch cùng nhiều tài phép lạ. Thần sống ở dưới nước, nhưng hay lên cạn để giúp đỡ dân lạ, diệt trừ quái thú, yêu quái làm hại dân lành. Ngài còn giúp dân học cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Còn Âu Cơ là con gái của Thần Nông, nàng thuộc dòng tiên, sống ở trên núi và có vẻ đẹp tuyệt trần làm say đắm lòng người. 

Cả hai đều có xuất thân cao quý, thuộc dòng thần tiên. Cùng với đó, họ mang trong mình nhiều phẩm chất nổi bật, hư ảo (Âu Cơ thì “xinh đẹp tuyệt trần”, Lạc Long Quân lại “sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ”)

Kỳ lạ, cao quý về sự nghiệp mở nước

Lạc Long Quân thường xuyên giúp dân diệt trừ các loại yêu quái làm hại dân lành như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, từ đó ổn định cuộc sống của họ. Đồng thời, ngài còn “dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở”. Như vật, có thể nói Lạc Long Quân là nhân vật có công khai phá và ổn định cuộc sống cho nhân dân, đồng thời giúp dân có một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.

Câu 2: Việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện Âu Cơ sinh nở có gì lạ? Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con như thế nào và để làm gì? Theo truyện này thì người Việt là con cháu của ai?

Việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện sinh nở có nhiều điểm kỳ lạ. Lạc Long Quân thuộc nòi Rồng ở nơi miền nước thăm thẳm, còn Âu Cơ là dòng tiên ở chốn non cao. Một kẻ thì ở cạn, người lại ở nước, vì thế đều mang tính tình và tập quán khác nhau. Vậy mà lại có duyên gặp gỡ và kết thành vợ chồng.

Khi Âu Cơ có mang cũng vô cùng kỳ lạ. Nàng sinh ra một bọc trăm trứng, trăm trứng đó lại nở ra thành một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Không chỉ thế, đàn con lại lớn nhanh như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh mà không cần bú mớm. Đây là một chi tiết hư ảo được dân gian thêu dệt nên.

Khi cả hai đã nhận thấy mình không thể cùng chung sống vì nhiều lý do khó tránh khỏi, họ đã quyết định chia con ra để cùng nuôi nấng. Lạc Long Quân đưa năm mươi con xuống biển, Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi để cùng chia nhau cai quản các phương. Đồng thời, khi có việc cần giúp đỡ nhau cũng không quên lời hẹn thề. 

Từ đó, truyền thuyết này đã đem đến một nhận định cho bao thế hệ người Việt về nguồn gốc của dân tộc ta, chính là từ dòng dõi cao quý, con Rồng cháu Tiên.

Câu 3: Em hiểu thế nào là chi tiết tưởng tượng kì ảo? Hãy nói rõ vai trò các chi tiết này trong truyện. 

Trong các câu chuyện cổ của dân gian ta, những chi tiết tưởng tượng kì ảo thường được sử dụng một cách phong phú và chúng luôn có sự gắn bó mật thiết với nhau. Những chi tiết tượng tượng kì ảo có thể hiểu là những chi tiết không có thật, mà chỉ được người kể sáng tạo, thêu dệt thêm để đạt được những mục đích nhất định. 

Có thể nói, những chi tiết tưởng tượng kì ảo luôn gắn với quan niệm và tín ngưỡng của dân gian, của con người xưa khi họ suy nghĩ về thế giới. Những yếu tố đó luôn xuất hiện và có sự đan xen giữa thế giới thần cùng thế giới người. Đối với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, yếu tố đó được thể hiện một cách rõ nét và mang lại nhiều ý nghĩ to lớn và tạo nên nét đặc trưng riêng của câu chuyện.

Chi tiết tưởng tượng kì ảo góp phần tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ nhằm tôn vinh, làm nổi bật nhân vật được xây dựng trong câu chuyện. Đồng thời, câu chuyện cũng nhờ những chi tiết tưởng tượng kì ảo mà tăng thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn. 

Đặc biệt, những chi tiết tưởng tượng kì ảo trên đã góp phần tạo nên vẻ thần kì hóa, linh thiêng hóa nguồn gốc, giống nòi của dân tộc. Từ đó, dân tộc ta thêm tin yêu, tự hào và tôn kính đối với tổ tiên, đối với dòng dõi cao quý mà mình đang mang. Chúng ta có tự hào không, khi vỗ ngực tự xưng mình thuộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên?

Câu 4: Thảo luận ở lớp: Ý nghĩa của truyện Con Rồng cháu Tiên.

Chúng ta dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù ở đồng bằng, miền núi hay ven biển, dù đang trong hay ngoài lãnh thổ Tổ Quốc, chỉ cần mang trong mình dòng máu Việt thì đều là anh em một nhà, đều chung cội nguồn, đều là con của mẹ Âu Cơ. Chính vì thế, chúng ta đừng quên ước hẹn tổ tiên đã thề nguyện năm xưa, rằng sẽ đồng lòng giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn, sẽ luôn yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. (liên hệ công tác phòng chống dịch của toàn dân). 

Câu chuyện không chỉ góp phần vào việc xây dựng đất nước giàu mạnh, đoàn kết, tạo nên sức mạnh tinh thần dân tộc vững vàng mà còn giải thích, suy tôn nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của con dân đất Việt. Dân tộc Việt Nam bao đời nay vẫn luôn tin và tự hào về nguồn gốc con Rồng – cháu Tiên của mình. Để rồi chúng ta thêm tin yêu đất nước, thêm tự hào về dòng dõi cao quý của mình và không quên công ơn của những người đã khai sinh ra nòi giống, mở mang bờ cõi nước nhà!

Đó là nội dung soạn văn lớp 6 bài 1 của truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích và giúp đỡ các em trong quá trình học văn học. Môn văn không hề khó khăn nếu như bạn thật sự yêu thích, và đừng vội chán nản rồi bỏ lỡ môn học này bởi vì nó thật sự rất hay và thú vị đấy!

Mời các bạn cùng xem các bài tương tự trong chuyên mục : Ngữ văn lớp 6 hoặc trong list bài soạn văn 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *