Văn mẫu Bánh chưng Bánh giầy dành cho học sinh lớp 6

Văn mẫu Bánh chưng Bánh giầy dành cho học sinh lớp 6

Dưới đây là bài văn mẫu Bánh chưng bánh giầy mà các em học sinh lớp 6 có thể tham khảo để làm bài tốt hơn!

Đề bài: Phân tích câu chuyện Bánh chưng bánh giầy

Cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, mọi người lại được dịp quây quần bên nhau ăn những bữa cơm sum vầy và cùng chuẩn bị bánh mức, thức ăn dọn Tết mời khách thăm nhà. Trong đó, cảnh cả gia đình cùng ngồi chung một mâm gói bánh chưng, bánh giầy dịp 30 Tết dường như là một hình ảnh không thể thiếu làm ấm lòng đứa con xa quê cả năm mới có dịp trở về nhà một lần. Đây đã trở thành một phong tục không thể thiếu hằng năm và nó gắn liền với một sự tích được lưu truyền bao đời này – sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”. 

văn mẫu bánh chưng bánh giầy
Phân tích câu chuyện Bánh chưng bánh giầy

Câu chuyện này kể về một cuộc thi tài do vua Hùng Vương đứng ra tổ chức nhằm chọn được người tài có thể nối chí vua. Nhà vua yêu cầu mỗi một người con của mình phải chuẩn bị một mâm cỗ dâng lễ Tiên vương, ai làm đúng ý vua thì sẽ được truyền ngôi. Những tưởng một mâm cỗ chỉ là việc đơn giản và chẳng thể làm khó được các Lang, nhưng ai nào hay bên trong câu đố đó là một dụng ý sâu xa của vua Hùng.

Lúc bấy giờ, nước ta đã dẹp tan bọn giặc ngoại xâm, trả lại một cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thế nên, nhiệm vụ chính mà người đứng đầu một nước phải thấu rõ chính là chăm lo cho đời sống của nhân dân, giúp cho người dân có được một cuộc sống ấm no và đủ đầy. Đất nước dưới tay vị vua ấy từ đó mới có thể ngày càng phát triển, thịnh vượng và khắp nơi chỉ ngập tràn trong tiếng cười hân hoan hạnh phúc. Tuy nhiên, nhà vua tuổi nay đã cao, người chẳng thể tiếp tục đảm đương sứ mệnh ấy được nữa. Vì thế, ngài đã tổ chức cuộc thi trên nhằm tìm ra một người có thể gánh vác thay mình trọng trách cao cả ấy. Không nhất thiết là một vị con trai trưởng, bởi vì người mà nhà vua muốn tìm phải là một người có tài đức, thấu hiểu nhân dân và có ý chí, suy nghĩ sâu sắc.

Chính ước vọng ấy đã khiến nhà vua đưa ra một thử thách cho những người con của mình. Chẳng ai có thể đoán được ý của vua chỉ qua lời nói “ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho”. Vì thế, các Lang chỉ biết thi nhau tìm kiếm của ngon vật lạ trên đời để làm một mâm cỗ thật hậu, thật quý nhằm giành được ngôi báu về phần mình. 

Duy chỉ có Lang Liêu là người thiệt thòi nhất. Chàng từ nhỏ đã có tuổi thơ bất hạnh khi mẹ bị ghẻ lạnh rồi chết dần đi vì bệnh tật. Đến tận khi lớn lên, chàng cũng chỉ quanh quẩn bên cánh đồng, chăm chỉ lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai. Chàng đã từ bỏ cuộc sống xa xỉ khi là một người con vua như bao Lang khác để tự mình ra ở riêng, một thân một mình tự lập nơi vắng vẻ thì lấy đâu ra châu báu ngọc ngà mà so với huynh đệ?

Từ đó, ta đã có thể nhìn thấy ở Lang Liêu một sự giản dị rất đỗi cao đẹp. Chàng là hoàng tử nhưng lại chẳng hề nghĩ đến thân phận của mình, mà luôn sống một cách chân chất, thật thà, gần gũi với nhân dân, gắn bó với đồng ruộng. Chàng biết chịu khó, cần cù, siêng năng và có tính tự lập từ nhỏ, nên chàng hơn ai hết sẽ là người thấu hiểu và quý trọng những thành quả lao động mà con người tạo ra. 

Mặc dù vậy, chàng trai này vẫn luôn trăn trở về mâm cỗ dâng cúng Tiên vương. Có thể chàng chẳng có gì quý giá, nhưng chàng vẫn muốn dành tất cả những gì trân quý nhất của bản thân để dâng lên tổ tiên bằng mọi sự thành kính. Ấy vậy mà, nhìn lại xung quanh chỉ toàn lúa thóc, khoai sắn, chàng lại càng thêm buồn bã hơn. Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy thêm một phẩm chất vô cùng sáng đẹp của chàng trai dù có cuộc đời bất hạnh nhưng vẫn giữ cho mình một thân ngọc ngà, đó là sự hiếu thảo, là lòng tôn kính đối với người có ơn sinh thành, đối với tổ tiên. Chàng chẳng hề trách móc vua cha đã ghẻ lạnh, cũng chẳng để tâm đến ngôi báu trên cao kia. Chàng chỉ mong có được một mâm cỗ tốt nhất để dâng lên tổ tiên cho tròn phận con cháu.

Phải chăng nỗi lòng của chàng đã động thấu trời xanh, để rồi một vị thần đã hiện lên trong mơ của chàng và đem đến một lời giải đáp hoàn hảo nhất cho câu đố mà nhà vua đã ban? Đêm hôm đó, Lang Liêu đã có một giấc mơ lạ. Chàng gặp được một vị thần và vị thần ấy đã gợi ý cho Lang Liêu, rằng “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”. 

Có công bằng không khi Lang Liêu nhận được sự gợi ý từ vị thần? Thật ra, nếu vị thần ấy gợi ý cho những hoàng tử khác, cũng sẽ chẳng có một ai tin và tạo nên một món ăn ý nghĩa. Bởi vì họ không hiểu được ý nghĩa của hạt gạo, và cũng chẳng màng hạt gạo được tạo nên từ công sức lao động của nhân dân. Chỉ có những ai thật sự tạo nên hạt gạo mới hiểu được sự quý giá đến từ loại thực phẩm có thể nuôi sống con người này! Bên cạnh đó, thần cũng chỉ đưa ra lời gợi ý về nguyên liệu, chính bằng sự cần cù, sáng tạo và chịu khó của Lang Liêu đã giúp chàng tạo nên hai thứ bánh đặc biệt dâng vua ngày lễ Tiên vương. 

Đồng thời, thần ở đây chính là nhân vật tượng trưng cho nhân dân, ai có tình yêu, có lòng trân trọng hạt gạo của trời đất thì mới có thể hiểu được nó được tạo nên từ mồ hôi, công sức và sự tâm huyết của người dân. Nhân dân – những người chỉ mong muốn có được một cuộc sống ấm no, bình dị – họ luôn quý trọng những thứ mình làm ra và có thể nuôi sống được chính gia đình mình.

Hai loại bánh mà chàng tạo nên không chỉ mang mùi vị thơm ngon, mà nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bánh hình tròn là bánh giầy tượng trưng cho trời, bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất. Chúng song hành với nhau để rồi tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của một người con hiếu thảo. Những nguyên liệu tạo nên bánh cũng là sự kết hợp giữa con người và vạn vật thiên nhiên. Qua hình ảnh chiếc lá dong, “Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”, vua Hùng đã nêu cao bài học yêu thương con người, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau mà các hoàng tử, các quân thần và nhân dân cả nước phải giữ lấy. Đây cũng chính là một trong những phẩm chất cao đẹp bao đời nay của người Việt ta!

Hai thứ bánh ấy vô cùng hợp ý vua, vì nó chứng tỏ được tài đức của một con người có thể nối chí vua. Đó phải là một người thân thuộc với dân, được lòng dân, biết trân trọng công sức, thành quả mà nhân dân đã dành trọn trong hạt gạo. Phải là người thông minh, sáng tạo và trân trọng hạt gạo biết bao nhiêu thì mới có thể tạo ra một món ăn truyền thống tuyệt vời đến thế? Một người biết tự lập, có suy nghĩ sâu sắc và biết đem cái quý nhất trong trời đất do chính tay mình tạo ra tiến cúng Tiên vương, dâng lên vua cha thì sẽ là một người con tài năng, hiếu thảo, thông minh và biết kính trọng, tôn kính tổ tiên – những người có ân đức sinh thành. Đây chắc chắn sẽ là một người xứng đáng nhất để nối ngôi nhà vua, chăm lo cho cuộc sống nhân dân.

Vì những điều trên, bánh của Lang Liêu đã được vua Hùng lựa chọn làm vật tế Trời, Đất và Tiên vương. Đồng thời, ngôi vua đã được truyền cho một người xứng đáng vừa có chí, vừa có tài lại có đức. Từ đó trở về sau, việc nấu bánh chưng, bánh giầy cúng tổ tiên dịp Tết đã trở thành một phong tục không thể thiếu ở nước ta. Để rồi, nó trở thành một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam!

Bánh chưng, bánh giầy là một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa to lớn đối với nghệ thuật văn học và nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Câu chuyện đã lý giải nguồn gốc của sự vật, hiện tượng, mà cụ thể là nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy và phong tục được lưu truyền bao đời nay của dân tộc ta. Đồng thời, câu chuyện đã ca ngợi tinh thần lao động miệt mài, sự sáng tạo và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là sự hiếu kính, tôn thờ Trời, Đất và những bậc sinh thành có công đức lớn lao!

Nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy gắn liền với ý nghĩa sâu sắc của chúng. Từ đó, chúng ta hiểu thêm về sự quý giá của hạt gạo qua lời mách bảo của thần và qua lời bình của nhà vua. Đồng thời, câu chuyện đã góp phần đề cao lao động và trân trọng nghề nông thiêng liêng gắn liền với nhân dân Việt Nam. Trong đó, Lang Liêu chính là một hiện thân của văn hóa cổ truyền được bộc lộ tài năng, phẩm chất qua sự thấu hiểu và trân trọng thứ trân quý nhất đất trời. Đó là hạt gạo – thành quả của lao động!

Bên trên là nội dung bài văn mẫu Bánh chưng, bánh giầy mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm một số bài tương tự tại: Ngữ văn lớp 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *