Soạn văn Bánh Chưng Bánh Giầy dành cho học sinh lớp 6

Soạn văn Bánh Chưng Bánh Giầy dành cho học sinh lớp 6

Nấu bánh chưng, bánh giầy là một phong tục không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Cổ Truyền tại Việt Nam. Liệu phong tục này được bắt nguồn từ đâu, và ý nghĩa của hai loại bánh này là gì? Hãy cùng đến với bài soạn văn Bánh chưng bánh giầy dưới đây để tìm hiểu về những kiến thức cần phải nắm rõ trong bài học này!

soạn văn bánh chưng bánh giầy
Bài học “Bánh chưng, bánh giầy”

Giới thiệu chung

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người lại được dịp quây quần bên nhau ăn những bữa cơm sum vầy và cùng chuẩn bị bánh mức, thức ăn dọn Tết mời khách thăm nhà. Trong đó, cảnh cả gia đình cùng ngồi chung một mâm gói bánh chưng, bánh giầy dịp 30 Tết dường như là một hình ảnh không thể thiếu làm ấm lòng đứa con xa quê cả năm mới có dịp trở về nhà một lần. Đây đã trở thành một phong tục không thể thiếu hằng năm và nó gắn liền với một sự tích được lưu truyền bao đời này – sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”. 

Sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”

Bánh chưng, bánh giầy là một câu chuyện truyền thuyết lý giải sự xuất hiện của phong tục nấu bánh chưng, bánh giầy hàng năm dịp Tết Âm Lịch của dân tộc Việt Nam. Phong tục này gắn liền với nhân dân ta bao đời nay, để rồi tạo nên những nét đẹp văn hóa cổ truyền đặc trưng đáng tự hào trong lòng những đứa con Việt. Đồng thời, câu chuyện “Bánh chưng, bánh giầy” đã góp phần ca ngợi tài năng, phẩm chất của cha ông ta trong việc tìm tòi và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, phong vị dân tộc.

Tóm tắt truyện

Vua Hùng Vương lúc về già muốn tìm trong hai mươi người con trai một người có đủ phẩm chất để truyền ngôi. Vì thế, nhà vua đã gọi các con lại và truyền lệnh rằng ai làm vừa ý ngài trong dịp lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi. Các lang vì muốn giành ngôi báu, nên đi tìm kiếm những món ngon vật lạ trên đời.

Duy chỉ có Lang Liêu – người con thứ mười tám có mẹ bị vua cha ghẻ lạnh và chết vì ốm là thiệt thòi nhất. Chàng không biết nên dâng vật gì khi mà trong nhà chỉ có mỗi khoai, lúa. Đêm đến, chàng nằm mơ thấy một vị thần mách bảo nên lấy gạo làm bánh lễ Tiên vương, vì gạo là thứ quý nhất trong trời đất. Ngẫm thấy lời thần nói đúng, chàng đã dùng gạo nếp thơm làm thành một chiếc bánh hình vuông, một chiếc bánh hình tròn để dâng vua cha.

Đến ngày lễ Tiên vương, các lang đều mang sơn hào hải vị đến dâng lên. Nhưng nhà vua chỉ để ý đến bánh của Lang Liêu và gọi chàng để hỏi chuyện. Lang Liêu kể lại chuyện gặp thần và được nhà vua chọn hai loại bánh đó đem tế Trời, Đất và Tiên vương. Trong đó, nhà vua đặt trên bánh hình tròn – tượng trưng cho Trời là bánh giầy, bánh hình vuông – tượng trưng cho đất là bánh chưng và truyền ngôi cho Lang Liêu. Kể từ đó, bánh giầy, bánh chưng trở thành một phong tục không thể thiếu dịp Tết hằng năm.

Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nào, với ý định ra sao và bằng hình thức gì?

Vua Hùng đã về già và người muốn truyền ngôi cho các người con của mình. Ngài muốn chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh giặc ngoài đã yên, nhà vua tương lai phải là người có thể chăm lo cho đời sống dân được sung túc, ấm no. 

Nhà vua có ý định tìm một người phải nối được chí vua, và không cần nhất thiết phải là con trai trưởng như thường lệ. Để đạt được điều đó, nhà vua đã dùng hình thức đưa ra đòi hỏi mang tính chất một câu đố đặc biệt dùng để thử tài những người con. Đó là trong dịp lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý vua, sẽ được truyền ngôi. Thông thường, trong các câu chuyện dân gian, giải câu đó là một trong những thử thách khó khăn nhất mà các nhân vật phải thực hiện.

Câu 2: Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?

Trong các người con của vua, chỉ có mỗi Lang Liêu được thần giúp đỡ vì chàng là một người con thiệt thòi nhất, có mẹ bị vua cha ghẻ lạnh, về sau chết vì bệnh tật. Đặc biệt, dẫu thân phận là con vua, nhưng chàng đã sớm ra ở riêng và chăm lo cho việc đồng áng, trồng lúa trồng khoai, gần gũi với cuộc sống của dân thường.

Hơn hết, chỉ có mỗi Lang Liêu là có thể hiểu được ý thần trong mộng. Vì chàng là người trực tiếp trồng trọt, làm ra lúa gạo và thấu hiểu ý nghĩa của món ăn quý giá này. Còn những lang khác chỉ lo tìm kiếm những món ngon vật lạ, sơn hào hải vị để dâng vua nhằm lấy lòng ngài mà không hiểu ý nghĩa của chúng.

Đồng thời, thần ở đây chính là nhân vật tượng trưng cho nhân dân, ai có tình yêu, có lòng trân trọng hạt gạo của trời đất thì mới có thể hiểu được nó được tạo nên từ mồ hôi, công sức và sự tâm huyết của người dân. Nhân dân – những người chỉ mong muốn có được một cuộc sống ấm no, bình dị – họ luôn quý trọng những thứ mình làm ra và có thể nuôi sống được chính gia đình mình.

Câu 3: Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi?

Hai thứ bánh của Lang Liêu mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa đặc biệt. Với ý nghĩa thực tế, nó là sản phẩm của lao động, thể hiện sự quý trọng nghề nông, quý trọng hạt gạo có khả năng nuôi sống con người và cũng chính do con người tạo ra.

Với ý nghĩa sâu xa, hai loại bánh này tượng trưng cho trời, đất “Bánh hình tròn là tượng trời”, “Bánh hình vuông là tượng đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài”. Đó là sự kết hợp giữa con người và vạn vật thiên nhiên. “Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau” qua hình ảnh chiếc lá dong, vua Hùng đã nêu cao bài học yêu thương con người, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau mà các hoàng tử, các quân thần và nhân dân cả nước phải giữ lấy. 

Đặc biệt, hai thứ bánh ấy vô cùng hợp ý vua, vì nó chứng tỏ được tài đức của một con người có thể nối chí vua. Đó phải là một người thân thuộc với dân, được lòng dân, biết trân trọng công sức, thành quả mà nhân dân đã dành trọn trong hạt gạo. Một người biết tự lập, có suy nghĩ sâu sắc và biết đem cái quý nhất trong trời đất do chính tay mình tạo ra tiến cúng Tiên vương, dâng lên vua cha thì sẽ là một người con tài năng, hiếu thảo, thông minh và biết kính trọng, tôn kính tổ tiên – những người có ân đức sinh thành. Đây chắc chắn sẽ là một người xứng đáng nhất để nối ngôi nhà vua, chăm lo cho cuộc sống nhân dân.

Câu 4: Nêu ý nghĩa của truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”

Bánh chưng, bánh giầy là một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa to lớn đối với nghệ thuật văn học và nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Câu chuyện đã lý giải nguồn gốc của sự vật, hiện tượng, mà cụ thể là nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy và phong tục được lưu truyền bao đời nay của dân tộc ta.

Nguồn gốc của hai loại bánh này gắn liền với ý nghĩa sâu sắc của hai loại bánh này. Từ đó, chúng ta hiểu thêm về sự quý giá của hạt gạo qua lời mách bảo của thần và qua lời bình của nhà vua. Đồng thời, câu chuyện đã góp phần đề cao lao động và trân trọng nghề nông thiêng liêng gắn liền với nhân dân Việt Nam. Trong đó, Lang Liêu chính là một hiện thân của văn hóa cổ truyền được bộc lộ tài năng, phẩm chất qua sự thấu hiểu và trân trọng thứ trân quý nhất đất trời. Đó là hạt gạo – thành quả của lao động!

Đó là cách soạn văn Bánh chưng, bánh giầy mà các em học sinh có thể tham khảo. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho các em những kiến thức bổ ích và cần thiết khi học bài học này! Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn 6 hoặc trong list bài soạn văn 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *