Soạn văn lớp 6 bài 3 – Thánh Gióng

Soạn văn lớp 6 bài 3 – Thánh Gióng

Dưới đây là cách soạn văn lớp 6 bài 3 – Thánh Gióng chi tiết nhất mà các em có thể tham khảo và soạn bài đầy đủ hơn trước khi đến lớp!

Soạn văn lớp 6 bài 3
Thánh Gióng

Giới thiệu chung

Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp được ông cha ta gìn giữ và phát huy bao đời này. Không ít lần ta nhìn thấy lòng yêu nước nồng nàn đã đem lại cho dân tộc Việt Nam những chiến công hiển hách, làm rạng danh lịch sử nước nhà. Làm sao tỏ rõ sự căm thù và sẵn sàng hy sinh khi đất nước gọi tên đang sôi sục trong dòng máu dân tộc? Làm sao kể hết sự đánh đổi vì thế hệ tương lai mà thế hệ trước đã không màn bản thân? Chính lòng tự hào, tin yêu đối với truyền thống dân tộc ấy đã sản sinh ra một câu chuyện về người anh hùng mãi mãi lưu truyền đến tận ngày mai sau – Thánh Gióng!

Giới thiệu câu chuyện Thánh Gióng

Thánh Gióng là một trong những câu chuyện dân gian làm sáng mãi nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam. Câu chuyện này đã khẳng định ý thức và sức mạnh đánh giặc có từ xa xưa của người Việt cổ. Với những chi tiết hư ảo mang tính nghệ thuật được lồng ghép bên trong hình ảnh một vị anh hùng của dân tộc, Thánh Gióng đã chứng tỏ tài năng và sức mạnh đến từ tập thể nhân dân. Từ đó, làm sống dậy lòng yêu nước nồng nàn cùng truyền thống anh hùng dân tộc trong mọi thời đại lịch sử nước nhà!

Tóm tắt câu chuyện

Tại làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão nọ chỉ mong có một đứa con. Thế rồi một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân to liền ướm thử. Không ngờ sau đó bà thụ thai và hạ sinh một cậu bé khôi ngô sau mười hai tháng. Nhưng lên ba đứa trẻ vẫn không biết nói, không biết cười cũng chẳng biết đi đứng. Cho đến khi giặc Ân xâm lược nước ta, nhà vua sai sứ giả đi tìm người tài cứu nước thì cậu bé với cất tiếng nói. Cậu gặp sứ giả và yêu cầu ông về tâu vua sắm cho cậu một con ngựa sắt, một tấm áo giáp sắt và một cái roi sắt để cậu đánh giặc.

Kể từ hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không vừa. Khi giặc đến, sứ giả đem những vật cậu yêu cầu đến thì cậu bé bỗng vươn vai biến thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong. Tráng sĩ ấy dùng những thứ nhà vua ban và một mình dẹp tan lũ giặc. Sau đó, tráng sĩ lên đỉnh núi rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Nhà vua nhớ công ơn đã phong tráng sĩ làm Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ở nơi quê nhà. 

Đọc – Hiểu văn bản

Câu 1: Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê ra những chi tiết đó?

Trong câu chuyện Thánh Gióng, có những nhân vật bao gồm: Gióng, bố mẹ của Gióng, nhà vua, sứ giả, quân giặc Ân và dân làng. Trong đó, nhân vật chính là Gióng. Gióng được xây dựng dựa trên nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo giàu ý nghĩa, bao gồm: 

  • Chi tiết mẹ Gióng ướm chân vào vết chân to và có thai.
  • Chi tiết Gióng được sinh ra sau tận 12 tháng.
  • Chi tiết Gióng không biết nói, không biết cười, không biết đi dù đã lên ba.
  • Chi tiết Gióng bỗng cất tiếng nói xin đi đánh giặc khi nghe sứ giả rao tin.
  • Chi tiết Gióng ăn mãi vẫn không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.
  • Chi tiết vươn vai trở thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong lẫm liệt.
  • Chi tiết roi sắt gãy, Gióng đánh giặc bằng bụi tre nhổ bên đường.
  • Chi tiết Gióng bay lên trời sau khi giặc tan.

Câu 2: Theo em, các chi tiết sau đây có ý nghĩa như thế nào?

Mỗi một chi tiết trên đều mang trong mình những ý nghĩa làm nên sự thành công của câu chuyện.

a. Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.

Gióng dù lên ba nhưng lại không biết nói cười như những đứa trẻ bình thường. Ấy vậy mà lại cất tiếng đòi đánh giặc khi nghe tiếng sứ giả. Chi tiết kì ảo này đã góp phần ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước khỏi bọn ngoại xâm khi đất nước gặp nguy nan. Đối với một người anh hùng, ý thức đối với đất nước luôn được đặt lên hàng đầu.

Đồng thời, Gióng cũng chính là hiện thân của nhân dân Việt Nam. Dẫu họ luôn âm thầm, lặng lẽ nhưng sẽ không bao giờ đứng yên khi đất nước gặp cơn nguy biến.

b. Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.

Chi tiết này muốn khẳng định, để đánh giặc, dân tộc ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, việc sử dụng vũ khí đồng thời là thành tựu văn hóa, kĩ thuật của đất nước vào trận chiến là điều không thể thiếu. Chi tiết này đã tôn vinh thành tựu của dân tộc, đồng thời là lời nhắc nhở sự thận trọng, chu toàn trước khi xông pha đánh giặc.

c. Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.

Sức mạnh của Gióng được nuôi dưỡng bởi những cái rất đỗi bình dị, đời thường. Đó là đồ mặc, là thức ăn mà cả dân làng cùng nhau chung tay, cùng nhau đùm bọc sẻ chia, chỉ mong sao Gióng có thể khỏe mạnh và dẹp tan giặc loạn. Chỉ với lòng yêu nước nồng nàn mới đem lại sự đoàn kết đáng tự hào như thế. Và đó cũng chính là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta, đoàn kết và yêu nước, trong đó, Gióng là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân.

d. Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.

Cái vươn vai thành tráng sĩ của Gióng là hình ảnh mà nhân dân ta muốn vẽ lên khi nói về một vị anh hùng. Đó sẽ là một người có vóc dáng to lớn, khổng lồ và mang trong mình những điều phi thường.

Phải chăng thế nước nguy nan đã tạo nên sức mạnh và làm cho Gióng lớn lên. Lớn lên để mà cứu nước, lớn lên để mà thực hiện nghĩa vụ cao cả của chính mình. Chi tiết này đã phần nào thể hiện sức mạnh phi thường của dân tộc ta trong công cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ nước nhà. Cái vươn vai của Gióng cũng chính là sự trưởng thành vượt bậc về hùng khí, tinh thần và lòng quyết chiến mãnh liệt của dân tộc Việt Nam khi đối diện với giặc ngoại xâm. Khi đất nước rơi vào thế cấp bách, dân tộc ta sẵn sàng vươn lên để tạo thành một tầm vóc phi thường, cũng như Thánh Gióng, ngài tự mình thay đổi để giành lại sự tự do cho mảnh đất quê nhà.

đ. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc.

Để chiến thắng được giặc ngoại xâm, dù phải trả bằng bất cứ giá nào người ta cũng sẵn sàng đánh đổi. Gióng không chỉ đánh giặc bằng vũ khí, mà ngài còn có thể tận dụng cây cỏ của quê nhà để dẹp tan giặc loạn. Cùng như dân tộc ta trong thời chiến, chỉ cần có thể giành lại sự hòa bình cho đất nước, người ta sẽ làm mọi cách mà mình có thể cho đến phút cuối cùng.

e. Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp để lại và bay thẳng lên trời.

Gióng ra đời một cách phi thường thì khi ra đi cũng phải phi thường. Vì muốn giữ mãi hình ảnh một vị anh hùng oanh liệt, nhân dân ta đã để cho ngài trở về với cõi bất tử vô biên. Đây là một chi tiết thần thánh hóa, bất tử hóa nhân vật có công lao to lớn đối với tổ quốc. Thánh Gióng bay lên trời, cũng là trở về với đất trời, về với non nước hùng vĩ bao la. Từ đó, ngài sống mãi như một biểu tượng của người Văn Lang, sống mãi dưới hình dạng một vị anh hùng dân tộc trong lòng nhân dân.

Ngoài ra, chi tiết này đã khẳng định, mỗi một người là con của mảnh đất này, khi họ đã quyết chí ra đi bảo vệ tổ quốc, thì họ chẳng cần một phần thưởng nào cho riêng mình cả. Phần thưởng họ mong muốn nhất chính là hi sinh bản thân mình để đổi lấy sự bình yên cho tổ quốc. Cũng như Thánh Gióng dẹp tan giặc lại trở về với cõi bất tử vĩnh hằng. 

Câu 3: Hãy nêu ý nghĩa hình tượng Thánh Gióng.

Hình ảnh Thánh Gióng đã làm nổi bật sự rực rỡ sáng chói của người anh hùng đánh giặc giữ nước. Thánh Gióng mang ý nghĩa biểu tượng, ngài biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta bao đời nay! Thánh Gióng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng, sức mạnh của một dân tộc, sức mạnh của tổ tiên thần thánh, sức mạnh của thiên nhiên, của văn hóa và kĩ thuật nước nhà.

Phải là một hình ảnh vĩ đại, to lớn như Thánh Gióng mới có thể biểu đạt hết lòng yêu nước và sức mạnh quật khởi của nhân dân ta trong các cuộc đánh tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại sự bình yên cho nước nha

Câu 4: Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Thánh Gióng gắn liền với thời đại Hùng Vương, khi dân tộc ta luôn phải đấu tranh chống giặc nơi phương Bắc để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, vào giai đoạn lịch sử này, chiến tranh tự vệ ngày càng ác liệt và yêu cầu phải phát huy sức mạnh của cả cộng đồng. Nhân dân ta vì thế mà phải tạo ra các loại vũ khí mới để có thể chống chọi với quân thù.

Đó là cách soạn văn lớp 6 bài 3 câu chuyện Thánh Gióng mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm những bài khác tại Ngữ văn lớp 6 hoặc trong list bài soạn văn 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *