Soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy tóm lược lớp 10

Soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy tóm lược dành cho học sinh lớp 10

Mục lục

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy tóm lược dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Phần I: Tóm tắt truyện

Vua An Dương Vương xây thành đến đâu lại lở đến đấy, sau nhiều lần không xây thành công, vua được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành và tặng vuốt để làm lẫy nỏ. Khi Triệu Đà xâm lược nước ta, nhà vua dùng nỏ thần bắn cho quân Đà thua lớn, đất nước thái bình. Về sau, vua gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy – con của vua Triệu Đà. Trọng Thủy dụ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi lén đổi nỏ thần và lấy cớ thăm cha để về báo tin. Khi Trọng Thủy về nước, Triệu Đà hay tin thì cử binh sang đánh. Nhưng vua An Dương Vương cậy có nỏ thần, đến khi biết nỏ thần đã mất thì mới đưa con gái bỏ chạy. Nào ngờ, Mị Châu ngồi sau rắc lông ngỗng từ áo để làm dấu khiến Trọng Thủy đuổi theo kịp. Nhà vua chạy đến bờ biển, được Rùa Vàng giúp đỡ và chỉ điểm hành động của Mị Châu. Nhà vua bén tuốt kiếm chém chết Mị Châu, còn vua được Rùa Vàng rẽ nước đưa xuống biển. Trọng Thủy hay tin, ân hận lao đầu xuống giếng mà chết. Máu của Mị Châu chảy xuống biển biến thành ngọc trai, người đời sau khi mò được ngọc trai rồi đem rửa với nước giếng loa thành thì ngọc sẽ càng sáng trong.

Phần II: Bố cục

Đoạn 1: Từ đầu đến “bèn xin hòa”: An Dương Vương được thần Kim Quy giúp xây thành, chế tạo nỏ bảo vệ đất nước.

Đoạn 2: Tiếp theo đến “dẫn vua xuống biển”: An Dương Vương chủ quan nên diễn ra cảnh mất nước nhà tan.

Đoạn 3: Đoạn còn lại: Thái độ của nhân dân đối với An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy.

Phần III: Hướng dẫn soạn bài

Câu 1: Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:

a) Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?

b) Sự mất cảnh giác của nhà vua thể hiện như thế nào?

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái… nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

Trả lời:

Những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương bao gồm:

– An Dương Vương cho người xây thành nhiều lần nhưng đều không hoàn thành như mong đợi.

– An Dương Vương được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành và cho vuốt để làm nỏ thần.

– An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà lần thứ nhất nhờ vào nỏ thần.

– Lần thứ hai, An Dương Vương vì chủ quan mà bị Triệu Đà đánh đuổi.

– An Dương Vương mang theo con gái bỏ chạy, được thần Kim Quy cứu giúp, chỉ điểm và chém chết Mị Châu.

a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ nhờ:

– Ý thức cảnh giác trước kẻ thù.

– Thêm vào tình tiết này là cách nhân dân ta ca ngợi nhà vua, bày tỏ sự tự hào về chiến công xây thành, chế nỏ và chiến thắng giặc.

b) An Dương Vương thất bại vì 

– Chủ quan, mơ hồ trước âm mưu, dã tâm quân địch.

– Mở đường cho con trai kẻ thù làm nội gián.

– Ỷ lại vào vũ khí của mình.

c) Những chi tiết hư cấu được nhân dân sáng tạo thể hiện:

– Lòng kính trọng đối với sự dũng cảm của vị anh hùng.

– Phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu.

– Giải thích lí do mất nước để xoa dịu nỗi đau mất nước.

Câu 2: Về việc Mị Châu lén đưa Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

– Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước.

– Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí.

Ý kiến riêng của anh (chị) như thế nào?

Trả lời:

– Cách đánh giá đầu tiên thể hiện việc làm của Mị Châu là quá trọng tình cảm của riêng mình mà thiếu sự cảnh giác, suy xét.

– Cách đánh giá thứ hai xuất phát từ những luân lí, tư tưởng của chế độ phong kiến xưa, người phụ nữ đã có chồng phải nghe theo lời chồng trong mọi chuyện.

– Tuy nhiên, với ý kiến nào thì nó cũng chưa thực sự hợp lý và hoàn thiện, bởi vì:

+ Mị Châu là nạn nhân của chính trị, bị lợi dụng bởi chính chồng mình.

+ Đối với chồng, nàng là người vợ trọng tình, cả tin, nhưng đối với đất nước, nàng mang trọng tội to lớn không thể tha thứ.

Câu 3: Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm như thế nào đối với nhân vật Mị Châu và muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau?

Trả lời:

– Việc thần Kim Quy kết tội Mị Châu và bị nhà vua tuốt kiếm chém chết nàng: thể hiện truyền thống yêu nước của nhân dân ta.

– Sự hóa thân của Mị Châu thể hiện sự bao dung, niềm cảm thông đối với sự thơ ngây, cả tin của nàng. 

– Thể hiện một thái độ nghiêm khắc và bài học lịch sử muốn truyền lại cho muôn dân nước Việt đời sau về vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa gia đình và đất nước, giữa cái riêng và cái chung.

Câu 4: Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của Mị Châu. Vậy anh chị hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”?

Trả lời:

– Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là một hình ảnh vừa có giá trị thẩm mĩ cao, lại vừa là một tình tiết đắt giá trong cốt truyện: sự kết thúc hợp lý duy nhất cho số phận đôi trai gái. 

– Ngọc trai: do máu của Mị Châu hóa thành, như chứng minh cho sự trong sạch của nàng.

– Giếng nước: nơi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn vì thương tiếc Mị Châu, thể hiện sự ăn năn và tình cảm sâu đậm dành cho Mị Châu.

– Chi tiết đem ngọc trai rửa với nước giếng càng sáng đẹp hơn thể hiện sự hóa giải trong tình cảm của đôi nam nữ trong thế giới bên kia. 

– Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” không phải vẻ đẹp thuộc về mối tình của đôi trai gái, mà nó thuộc về thái độ vừa nghiêm khắc vừa nhân ái của nhân dân ta, thể hiện cách ứng xử thấu tình đạt lý, lòng nhân đạo đã trở thành một truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta.

Câu 5: Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

Trả lời:

Cốt lõi lịch sử: 

– Nước Âu Lạc được dựng lên vào thời An Dương Vương.

– An Dương Vương xây thành cao, hào sâu cùng vũ khí đủ mạnh để chiến thắng được cuộc xâm lược của Triệu Đà. 

– Tuy nhiên, về sau nước Âu Lạc đã bị rơi vào tay của kẻ thù. 

Sáng tạo nghệ thuật: 

– Thần Kim Quy giúp vua xây thành chế nỏ.

– Nhà vua theo thần Kim Quy đi xuống biển.

– Máu Mị Châu hóa ngọc trai, Trọng Thủy tự vẫn làm xuất hiện chi tiết “ngọc trai – giếng nước”.

Những chi tiết thần kì trên được xây dựng nhằm:

– Đáp ứng nhu cầu tâm lý thiêng liêng của nhân dân Âu Lạc

– Khẳng định An Dương Vương và dân tộc mất nước không phải vì kém cỏi mà do kẻ địch dùng thủ đoạn hèn hạ

– Khẳng định sự bất tử của vị vua từng dựng lên nhà nước Âu Lạc bề thế

– Tôn vinh dân tộc và hạ thấp kẻ thù.

Đó là cách soạn văn Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy tóm lược mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 10 hoặc trong list bài soạn văn 10

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *