Soạn văn Trong lòng mẹ (Trích Những ngày thơ ấu) – Nguyên Hồng

Soạn văn Trong lòng mẹ (Trích Những ngày thơ ấu) – Nguyên Hồng

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Trong lòng mẹ chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

Soạn văn Trong lòng mẹ

Giới thiệu văn bản

Nguyên Hồng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, mẹ đi tìm hạnh phúc mới khi ông chỉ mới là chú bé 12 tuổi đời. Sớm sống trong cảnh cùng cực đầy bất hạnh, có lẽ vì thế mà hơn ai hết, ông là người thấm thía nhất những nỗi cơ cực của lớp người lao động cùng khổ thời kỳ bấy giờ. Chính vì thế, ngòi bút của ông luôn hướng về thế giới nhân vật ấy. Thông qua những tác phẩm làm nên tên tuổi của mình, ông đã bộc lộ niềm yêu thương sâu sắc, mãnh liệt và lòng trân trọng những vẻ đẹp cao quý, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em trong xã hội cũ. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích từ “Những ngày thơ ấu” chính là một tập hồi kí viết về tuổi thơ cay đắng mà ông đã sớm nếm trải. Thông qua đoạn trích này, người đọc như cảm nhận sâu sắc những nỗi đau mà phụ nữ và trẻ em lúc bấy giờ phải chịu đựng. Đồng thời, ông đã lên án bộ mặt lạnh lùng của một xã hội chỉ trọng đồng tiền đầy những thành kiến cổ hủ và thói nhỏ nhen, độc ác của đám thị dân tiểu tư sản.

Tóm tắt văn bản

Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân miễn cưỡng. Cậu có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh khi cha mất sớm, mẹ bỏ đi tha hương chú thực. Chính vì lẽ đó, chú phải lớn lên trong không khí vô cùng giả dối và lạnh lẽo của một gia đình không mấy hạnh phúc. Điều khiến người đọc đau lòng hơn cả là, Hồng phải chịu đựng và sống trong sự ghẻ lạnh đầy cay nghiệt của họ hàng. Đặc biệt, bà cô của Hồng là người vô cùng độc ác, bà ta luôn cố gắng gieo rắc vào đầu chú bé những suy nghĩ xấu xa về mẹ. Thế nhưng, chú vẫn luôn tin yêu và nhớ thương mẹ dẫu sống trong những lời nói cay nghiệt bằng tình yêu thương và sự kính trọng mẹ. Cuối cùng, mẹ chú đã trở về và chú lại được mẹ ôm hôn, âu yếm và vỗ về.

Bố cục văn bản

Đoạn trích được chia làm 2 phần, bao gồm:

  • Phần 1: Từ đầu cho đến “người ta hỏi đến chứ”: cuộc đối thoại giữa Hồng và người cô cùng ý nghĩ cảm xúc của chú về người mẹ bất hạnh.
  • Phần 2: Còn lại: cuộc gặp gỡ đầy cảm động của hai mẹ con Hồng và cảm giác vui sướng cực đỉnh của chú bé.

Từ bố cục trên, ta có thể phân ra được hai vấn đề cơ bản cần phải phân tích về nội dung, bao gồm: tâm địa độc ác của người cô và tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng dành cho người mẹ bất hạnh của chú.

Đọc hiểu văn bản

Câu hỏi 1. Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với chú bé Hồng.

Trả lời:

Nhân vật người cô xuất hiện thông qua dòng tự sự của chú bé Hồng. Qua từng bước, hình ảnh cùng tâm địa độc ác của người cô càng lộ rõ trước mắt người đọc.

Bước 1: Chi tiết người cô gọi Hồng đến và hỏi chú có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ không. 

Điều đáng chú ý ở chi tiết này chính là người cô cười hỏi chứ không hề lo lắng hay nghiêm nghị hỏi chú bé, việc âu yếm hỏi lại càng không hề có. Đối với một chú bé sống thiếu thốn tình thường như Hồng, thì theo lẽ thường chú sẽ đáp rằng có. Nhưng vì sự nhạy cảm và tình yêu thương của chú đã mách bảo, để rồi chú nhận ra những ý nghĩa cay độc trong “giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của người cô”. Chính vì thế, chú bé đành phải lặng thinh cúi đầu  không nói gì.

Bước 2:  Chi tiết Hồng đáp lại không muốn vào vì cuối năm mẹ chú sẽ về.

Lúc này, vì không muốn tình yêu thương và lòng kính mến mẹ bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến, nên Hồng đã đáp một cách đầy tự tin, rằng chú không muốn vào và khẳng định cuối năm thế nào mẹ cũng về thăm chú. Thế nhưng, bà cô đó lại chẳng hề có ý định buông tha chú. Bà ta ngọt giọng hỏi lại “Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!”. Cùng với giọng nói ngọt ngào ấy là sự bình thản đầy mỉa mai và hai con mắt long lanh nhìn Hồng một cách chằm chặp. Chi tiết này thể hiện người cô vẫn muốn kéo đứa cháu của mình vào trò chơi đầy ác độc mà bà ta đã dàn tính sẵn. Cho đến khi chú bé im lặng với khóe mắt cay cay, thì bà ta vẫn không ngừng tấn công chú bằng việc nhắc đến mẹ chú đã có em bé. Đây là một sự châm chọc và nhục mạ người mẹ của Hồng. Bà ta quả là một người cay nghiệt và độc ác.

Bước 3: Chi tiết bà cô tươi cười kể chuyện một bà họ nội xa vào trong cân gạo thì gặp mẹ Hồng ngồi cho con bú.

Cho đến khi Hồng đã nức nở khóc trong sự phẫn uất thì bà cô ấy vẫn không có ý định buông tha cho chú bé đáng thương. Đối diện với chú bé đang mang trong mình sự đau đớn đầy xót xa là vẻ mặt vô cảm sắc lạnh đến ghê rợn người của bà cô. Bà ta vẫn tiếp tục tươi cười kể chuyện về mẹ của chú, rồi tỉ mỉ miêu tả sự túng quẫn, rách rưới của người phụ nữ bất hạnh đó. Khi chú bé đã tức tưởi, phẫn uất đến đỉnh điểm, bà ta đã hạ giọng bày tỏ sự ngậm ngùi thương xót người đã mất một cách đầy giả tạo. Từ chi tiết này, bộ mặt giả dối, thâm hiểu và trơ trẽn của bà cô đã được phơi bày một cách đầy đủ và triệt để.

Từ những bước trên, ta có thể nhìn nhận về bản chất của nhân vật người cô trong truyện, đó là sự lạnh lùng, độc ác và vô cùng thâm hiểm. Nhân vật bà cô cũng đồng thời là hình ảnh đại diện cho hạng người sống tàn nhẫn, khô héo cả tình máu mủ ruột rà trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ. Và đó cũng chính là sản phẩm được tạo nên từ những định kiến đối với người phụ nữ trong xã hội xưa.

Câu hỏi 2. Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào ?

Trả lời:

Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng được thể hiện qua các tình huống sau:

Những suy nghĩ và cử chỉ khi trả lời người cô

Khi mới nghe người cô hỏi, chú bé lập tức nhớ về những hình ảnh hiền từ đầy thân thuộc của mẹ mình. Sau đó, chú nhanh chóng phát hiện ra ý nghĩa cay độc từ lời nói và nét mặt của người cô bằng sự nhạy cảm và tình yêu thương, kính trọng mẹ của mình. Cậu không muốn tình yêu thương ấy bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến.

Khóe mắt chú bé cay cay và lòng chú thắt lại khi nghe câu hỏi thứ hai của người cô. Hồng nhận ra mục đích mỉa mai và nhục mạ một cách trắng trợn từ bà cô cay nghiệt đó. Đến những câu hỏi tiếp theo, Hồng không thể ngăn dòng nước mắt khi nghe kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ. Đồng thời, chú bé đã bộc lộ sự tức giận những cổ tục đã đày đọa mẹ chú như ngày hôm nay.

Cảm giác vui sướng cực điểm khi được ngồi vào lòng mẹ:

Hành động chạy đuổi theo chiếc xe một cách vội vã, bối rối thể hiện sự chờ mong mẹ của Hồng. Khi mới vừa ngồi cùng mẹ trên xe, cậu đã vỡ òa lên khóc nức nở những giọt nước mắt tràn đầy sự hạnh phúc, tức tưởi nhưng lại vô cùng mãn nguyện.

Cảm giác sung sướng đến cực điểm khi Hồng được ngồi vào lòng mẹ đã được tác giả diễn tả một cách vô cùng tinh tế. Nó đã tạo nên một không gian đầy màu sắc, ánh sáng và hương thơm vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Nó là một hình ảnh về thế giới đang hồi sinh với tràn đầy tình mẫu tử tinh khiết, thiêng liêng. Chú bé Hồng cứ thế bồng bềnh trong cảm giác vui sướng đầy rạo rực. Dường như những tủi cực và những lời cay độc của bà cô đã tan biến đi trong giây phút ấy. Và cũng chính giây phút này, một bài ca chân thành đầy cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt đã được Nguyên Hồng viết lên qua lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng.  

Câu hỏi 3*. Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, hãy chứng minh rằng văn Nguyên Hồng giàu chất trữ tình.

Trả lời:

  • Chất trữ tình được thể hiện trong tình huống và nội dung truyện: hoàn cảnh của cậu bé và người mẹ đáng thương, tấm lòng yêu thương mẹ, sự âm thành chịu đựng của mẹ dù nhiều thành kiến…
  • Chất trữ tình được thể hiện qua dòng cảm xúc phong phú của Hồng: sự xót xa, tủi nhục, lòng căm phẫn, tình yêu thương nồng nàn dành cho mẹ.
  • Cách thể hiện của tác giả cũng tạo nên chất trữ tình của chương hồi kí: kết hợp kể với bộc lộ cảm xúc, lời văn đầy cảm xúc, hình ảnh giàu sức gợi.

Câu hỏi 4. Qua văn bản trích giảng, em hiểu thế nào là hồi kí ?

Trả lời:

Hồi kí là một thể của kí, người viết qua đó kể lại những câu chuyện, những điều chính mình đã trải qua, đã chứng kiến.

Câu hỏi 5*. Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Nên hiểu như thế nào về nhận định đó ? Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, em hãy chứng minh nhận định trên.

Trả lời:

  • Nguyên Hồng viết nhiều tác phẩm về phụ nữ và nhi đồng, Những ngày thơ ấu là một trong số các tác phẩm viết về chủ đề này.
  • Nguyên Hồng luôn dành cho phụ nữ và nhi đồng tấm lòng yêu thương và trân trọng, đoạn trích này đã thể hiện điều đó qua tình yêu thương và căm phẫn của chú bé Hồng khi mẹ cậu phải chịu sự đày đọa từ những hủ tục lạc hậu.
  • Nguyên Hồng diễn tả và thấu hiểu nỗi cơ cực, tủi hờn mà phụ nữ và nhi đồng phải gánh chịu thời kỳ trước. 
  • Nhà văn này cũng luôn trân trọng vẻ đẹp và đức tính cao quý của phụ nữ, họ luôn chịu mọi định kiến và bị đày đọa bởi suy nghĩ cổ hũ, nhưng họ vẫn luôn nhẫn nhịn chịu đựng vì gia đình và con cái.

Đó là cách soạn văn Trong lòng mẹ chi tiết mà các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 8 hoặc trong list bài soạn văn 8

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *