Dàn ý viết bài làm văn số 1 lớp 10: Cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống

Dàn ý viết bài làm văn số 1 lớp 10: Cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống (hoặc một tác phẩm văn học)

Hãy cùng Vui học Online tham khảo một số dàn ý viết bài làm văn số 1 lớp 10 dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

Dàn ý viết bài làm văn số 1 lớp 10

Đề 1: Ghi lại cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về những ngày đầu tiên bước vào trung học phổ thông

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề, có thể hóa thân thành người trưởng thành hồi tưởng lại kỉ niệm, cũng có thể giới thiệu trực tiếp với tư cách là một học sinh vừa bước vào ngôi trường trung học phổ thông.

Gợi ý: Những kỉ niệm về lần đầu tiên bước đến một thế giới mới lạ luôn là dấu ấn đẹp đẽ và đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi con người. Và có lẽ, ngày đầu tiên bước vào ngôi trường trung học phổ thông sẽ là một trong những kỉ niệm mà em không thể nào quên bởi những rung cảm đầu đời cùng niềm hân hoan luôn ngập tràn nơi tâm hồn non trẻ. 

2. Thân bài:

a) Giới thiệu về ngôi trường THPT của mình:

– Tên trường, bề dày lịch sử của ngôi trường: trường em tên là ABC, là một ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống hiếu học lâu đời.

– Sự cố gắng của bản thân để vào được ngôi trường ấy: trải qua quá trình ôn thi với lịch trình học dày đặc, em đã nỗ lực hết mình để có thể học tại ngôi trường mà mình yêu thích.

Cảm xúc đầu tiên khi bước chân vào ngôi trường:

b. Khung cảnh thiên nhiên ngày đầu bước vào trường: 

– Hôm đó là một ngày đẹp trời, nắng nhè nhẹ cũng đủ làm bừng lên khuôn mặt hân hoan vì hạnh phúc của em. Bầu trời trong xanh cùng những cơn gió đầu thu như mơn man làn tóc em, thì thầm đôi lời nhắn nhủ. 

– Trước mắt em là ngôi trường mà em hằng mong ước được theo học. Trường em có một hàng cây bàng to lớn in đậm dấu ấn thời gian theo bề dày lịch sử của trường. Những tán cây to lớn tản rộng rợp bóng mát cả một sân trường như đan chở che cho đám học trò nhỏ còn đang bỡ ngỡ trước thế giới mới lạ.

c. Cơ sở vật chất của ngôi trường

– Trường có ba dãy phòng học, xếp lại thành hình chữ U bao bọc cả một khoảng sân trường rợp bóng mát.

– Vì trường đã tồn tại từ khá lâu, nên những vết sơn mới cũng không thể che đi vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ mà bình dị của mình. 

– Mỗi lớp học đều được sắp xếp bàn ghế đều ngăn nắp và thẳng tắp, trong phòng học không có nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng lại toát lên một vẻ ấm cúng, gần gũi đến lạ thường.

d. Cảm nghĩ về ngôi trường, thầy cô, bạn bè:

– Em cảm thấy hạnh phúc vì được học trong một ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống hiếu học lâu đời. Mọi vết tích theo thời gian được in dấu nơi đây đều mang một vẻ đẹp riêng biệt lạ thường.

– Thầy cô, bạn bè ai cũng thân thiện, cởi mở và nhiệt tình khiến em cảm thấy không còn sợ hãi hay hồi hộp nữa, thay vào đó là cảm giác ấm áp khi nhận thấy thiện ý của mọi người xung quanh.

e. Cảm xúc trong buổi lễ khai giảng đầu tiên

– Lên cấp 3, học sinh chẳng còn phải mang khăn quàng đỏ nữa, mà thay vào đó là huy hiệu đoàn luôn được đính ngay ngắn trên áo.

– Học sinh nữ mang áo dài trắng thướt tha tựa như những cô thiếu nữ mới lớn, khuôn mặt rạng rỡ vẻ đẹp của thanh xuân.

– Học sinh nam tự cảm thấy mình đã lớn hơn, nên luôn giúp đỡ các bạn nữ một cách nhiệt tình.

– Khi tiếng trống trường vang lên sau các nghi lễ khai giảng cùng lời phát biểu đầy cảm động của thầy hiệu trưởng, cảm giác lo âu, hồi hộp xen lẫn hào hứng ngày càng rõ rệt.

f. Cảm giác khi vào lớp, làm quen với giáo viên chủ nhiệm và bạn mới:

– Cô giáo tự giới thiệu bản thân, giọng cô nhẹ nhàng cùng cử chỉ hiền hòa (giới thiệu cụ thể về tên tuổi, vóc dáng, hành động, lời nói, ánh mắt và cử chỉ).

– Cô không dỗ dành như chủ nhiệm cấp 1, không động viên như lớp 6, mà luôn tạo tâm thế và chuẩn bị tâm lý cho học sinh để bắt đầu bước vào ngưỡng quan trọng của cuộc đời.

– Bạn bè xung quanh ban đầu khá rụt rè, bỡ ngỡ nhưng sau một hồi giới thiệu, chia sẻ và nói chuyện cùng nhau đã dần cởi mở hơn. Một số bạn có những điểm ấn tượng khiến em nhớ mãi (có thể kể đôi nét).

– Từ sự bỡ ngỡ, hồi hộp và rụt rè, bản thân dần làm quen và gần gũi hơn với ngôi trường mới. Từ đó, sẵn sàng tâm thế để bắt đầu một năm học mới với nhiều niềm vui.

3. Kết bài: cảm nghĩ của em về ngày đầu tiên đi học ở trung học phổ thông:

– Em luôn trân trọng những cảm xúc hiện tại và hi vọng về ba năm cấp ba sẽ có thật nhiều kỉ niệm để không bao giờ hối hận vì những năm tháng học trò đã khép mình để rồi màu mắt luôn u buồn khi nghĩ về nó.

Đề 2: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (Chuyện người con gái Nam Xương).

Dàn ý:

1. Mở bài:

Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm.

Giới thiệu nhân vật Vũ Nương – người phụ nữ có phẩm chất cao đẹp nhưng lại bị tư tưởng phong kiến chà đạp.

2. Thân bài

a) Tóm tắt truyện:

Vũ Nương là người con gái ở Nam Xương, nàng thùy mị, nết na nên được Trương Sinh đem lòng thương mến rồi hỏi cưới. Chưa sum vầy được bao lâu, chồng nàng phải đi lính, để lại mẹ già và đứa trẻ chưa kịp chào đời cho nàng chăm sóc. Dù chồng đi xa, Vũ Nương vẫn thủy chung và chăm sóc mẹ chu đáo. Nhưng vì bệnh nặng nên bà chẳng thể qua khỏi, nàng vẫn lo ma chay chu đáo và chăm sóc con thơ. Khi Trương Sinh về, đứa trẻ không chịu nhận bố và kể về một người bố khác khiến Trương Sinh nghi ngờ vợ và đuổi nàng đi khỏi nhà. Vũ Nương sau khi đã hết mực phân trần nhưng chỉ nhận lại những lời chì chiết, nàng liền tắm gội sạch sẽ rồi gieo mình tự vẫn nơi bến Hoàng Giang. Cảm động trước đức hạnh của nàng, Linh Phi đã mang nàng về thủy cung và tình cờ nàng gặp được Phan Lang – người hàng xóm cũ từng giúp đỡ Linh Phi nên được báo ơn khi gặp nạn. Nàng nhờ Phan Lang chuyển lời cho Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Trương Sinh trước đó cũng biết chuyện người cha mà đứa con nói tới chỉ là cái bóng. nay nghe người hàng xóm nói đã tin theo và lập đàn giải oan cho Vũ Nương. Nhưng nàng chỉ hiện lên nói vài điều rồi lại biến mất sau đó.

b) Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương

Vũ Nương là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết:

Thùy mị, nết na, lại thêm tư dung, tốt đẹp.

Là người vợ dịu hiền, khuôn phép, người con dâu hiếu thảo và là người mẹ chu toàn.

Vũ Nương là một người phụ nữ thủy chung, son sắt:

Khi chồng ở nhà, nàng luôn cư xử đúng mực để tránh gây chuyện bất hòa vì tính cách đa nghi của chồng.

Khi tiễn chồng ra trận, nàng bày tỏ nỗi lo lắng và sự quan tâm, nhớ nhung của mình đối với chồng.

Khi xa chồng, nàng vẫn nhất mực chung tình, thủy chung son sắt, chăm sóc mẹ chồng con thơ chu đáo chờ chồng về.

Khi bị nghi oan, Vũ Nương vẫn không ngừng phân trần để bảo vệ hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi.

Khi nàng sống dưới thủy cung, nàng vẫn không quên đi tình xưa nghĩa cũ và cuộc sống nơi trần thế.

Vũ Nương là một người con dâu hiếu thảo:

Thời gian chồng vắng nhà, Vũ Nương thay chồng chăm sóc mẹ khi bà bị ốm đau.

Nàng lo liệu việc ma chay cho mẹ như với cha mẹ đẻ của mình, đồng thời chăm sóc con nhỏ một cách chu toàn.

Vũ Nương là một người phụ nữ giàu đức hi sinh, trọng nhân phẩm:

Vũ Nương luôn hi sinh vì gia đình, vì tổ ấm đôi lứa.

Là người phụ nữ trọng nhân phẩm, sẵn sàng dùng cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình.

c) Cảm nhận về nỗi đau đớn, oan khuất của Vũ Nương:

Người chồng vì đa nghi đã nghe lời ngây thơ của con trẻ mà nghi oan cho nàng tội thất tiết. Nhưng lại không cho nàng cơ hội giãi bày khi không nói ra nguyên cớ sự việc.

Nàng đau khổ, cố gắng níu kéo và hàn gắn mọi việc bằng cách tự phân trần cho bản thân, chỉ mong được chồng thấu hiểu nhưng chồng lại còn chửi mắng và đánh đuổi nàng đi.

Chỉ khi không thể thanh minh được nữa, nàng mới tìm đến cái chết để bày tỏ nỗi oan ức và giữ gìn sự trong sạch của chính mình.

Đó là nỗi đau đớn tột cùng của một người phụ nữ thủy chung son sắt trông đợi ngày chồng về, cuối cùng lại bị quy tội trong khi bản thân không làm gì sai. Người phụ nữ ấy đáng ra phải được bảo vệ và chở che, nhưng cuối cùng lại bị đối xử bất công.

d) Dù đã đến một thế giới khác, nhưng Vũ Nương vẫn thiết tha trở về quê cũ:

Ở quê cũ, nàng vẫn nhớ về quê hương nên muốn được tìm về.

Nàng tìm về để giãi bày nỗi oan ức của mình với chồng và mọi người, để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

e) Giá trị nghệ thuật

Giá trị hiện thực:

+ Lột trần bộ mặt thối nát của xã hội phong kiến với tư tưởng gia trưởng và coi trọng vị thế của đàn ông đã đẩy những người phụ nữ với phẩm hạnh tốt đẹp vào con đường cùng – cái chết.

Giá trị nhân đạo

+ Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc đối với sự bất công của xã hội đã chà đạp họ – những người đáng ra nên được sống hạnh phúc.

+ Hướng tới giá trị, quan niệm lâu đời của nhân dân về ở hiền gặp lành với một cái kết có hậu.

3. Kết bài: Ý nghĩa câu chuyện và cảm nhận của bản thân.

Đề 3: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ mà anh (chị yêu thích) – Bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu

Dàn ý

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác: Đồng Chí là một tác phẩm nổi tiếng được Chính Hữu viết vào đầu năm 1948, khi ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc.

2. Thân bài

a) Cơ sở hình thành tình đồng chí:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Tình đồng chí được bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân.

Một người đến từ nơi khô cằn, khắc nghiệt, một người sống tại vùng nước mặn đồng chua, hai người họ gặp nhau tại một điểm – là những người lính có xuất thân từ nông dân nghèo.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

Súng: nhiệm vụ chiến đấu; đầu: lý tưởng, suy nghĩ: cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng.

Họ được gắn kết bởi lý tưởng chung của thời đại, để rồi cùng sát cánh bước bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu.

Ở đây sử dụng phép điệp từ để nhấn mạnh sự gắn kết giữa những người lính chung nhiệm vụ, chung lý tưởng. Đồng thời, tạo nên một âm hưởng mạnh mẽ, khỏe khoắn.

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Tình đồng chí của họ nảy nở và bền chặt từ sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ mọi khó khăn, gian lao trong cuộc đời người lính.

Trong những đêm rét buốt, người lính chẳng có riêng cho mình áo dày, chăn ấm. Họ chỉ có thể chia nhau một mảnh chăn mỏng đắp tạm cho đỡ rét. Nhưng chính sự chia sẻ trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã tạo nên những kỉ niệm cùng tình cảm bền chặt trong lòng mỗi người đồng đội. Để rồi họ gọi nhau với cái tên thân thương: tri kỉ!

=> Sáu câu thơ đầu giải thích sự gặp gỡ và hình thành nên tình đồng chí bền chặt giữa những người lính.

b) Tình đồng chí trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Những người đồng chí cảm thông sâu sắc những nỗi niềm của nhau.

Người lính để đi chiến đấu vì tổ quốc, họ đã lựa chọn bỏ lại sau lưng mình những điều quý giá nhất của bản thân, của quê hương: từ ruộng nương, gian nhà, giếng nước cho đến gốc đa, hay cả những người thân yêu nhất của họ.

– Họ ra đi với một tư thế vô cùng dứt khoát, thể hiện lòng quyết tâm ra đầu chiến tuyến để bảo vệ đất nước. Nhưng trong thâm tâm, họ vẫn canh cánh nỗi nhớ da diết quê nhà phía sau. 

– Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn trong cuộc đời người lính. 

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi”

– Người lính phải trải qua những hiểm nguy nơi rừng hoang sương muối, đó là nỗi lo sợ về căn bệnh sốt rét rừng, là nỗi lo về sức khỏe trong mỗi lần hành quân gian khổ.

“Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

– Những câu thơ trên thể hiện rõ nét những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính.

– Họ không được trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, mà luôn trong cảnh thiếu thốn về vật chất.

– Tuy khó khăn là thế, nhưng người lính vẫn luôn lạc quan nở nụ cười, bởi họ đã có hơi ấm của niềm vui, của tình đồng chí keo sơn từ những người đồng đội cùng chung chí hướng.

– Từ “anh” và “tôi” luôn song hành cùng nhau thể hiện sự gắn bó, sẻ chia của những người động đội.

c) Tình đồng chí trong khung cảnh khắc nghiệt:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

– Người đồng chí luôn đứng cạnh nhau giữa cái rét đáng sợ nơi rừng hoang sương muối, giữa những nguy hiểm và sự căng thẳng trong giây phút chờ giặc tới. 

– Hình ảnh câu thơ cuối gợi nhiều liên tưởng: súng có thể được coi là biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt, còn trăng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp lãng mạn và bình yên, đại diện cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.

– Thể hiện chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn: người lính thi sĩ, thực tại mà mơ mộng.

3. Kết bài: Nêu ý nghĩa câu chuyện và liên hệ hành động, nhận thức của bản thân.

Đó là một số dàn ý viết bài làm văn số 1 lớp 10 mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 10

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *