Văn mẫu Trong lòng mẹ – Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ”

Văn mẫu Trong lòng mẹ – Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ”

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Trong lòng mẹ được chia sẻ trong bài viết dưới đây để làm bài được tốt hơn nhé!

văn mẫu Trong lòng mẹ

Đề bài: Hãy phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” (trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng)

Nguyên Hồng là một ngòi bút lớn đã có nhiều đóng góp và cống hiến cho nền văn học Việt Nam. Bởi vì sớm sống trong cảnh cùng cực đầy bất hạnh mà những tác phẩm của ông luôn hướng về lớp người lao động cùng khổ. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích từ “Những ngày thơ ấu” là một tập hồi ký viết về tuổi thơ cay đắng mà ông đã sớm nếm trải. Thông qua đoạn trích này, người đọc như cảm nhận sâu sắc những nỗi đau mà phụ nữ và trẻ em lúc bấy giờ phải chịu đựng. Đồng thời, ông đã lên án bộ mặt lạnh lùng của một xã hội chỉ trọng đồng tiền đầy những thành kiến cổ hủ và thói nhỏ nhen, độc ác của đám thị dân tiểu tư sản.

Chú bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, không có tình yêu và sự hạnh phúc. Cha Hồng mất sớm, mẹ chú phải đi tha phương cầu thực và để lại Hồng sống trong một ngôi nhà lạnh lẽo, ngày ngày đối diện với sự cay nghiệt của bà cô và họ hàng. Những tưởng chú bé ấy sẽ vì thế mà căm ghét mẹ của mình. Nhưng không, chú lại là một đứa nhỏ hiểu chuyện và luôn dành trọn lòng yêu thương dành cho mẹ. Khát khao lớn nhất của chú bé là có ngày được gặp lại mẹ, được ngủ trong vòng tay thơm dịu, ấm áp chứa chan tình mẫu tử bao la của mẹ mình.

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã thành công khi khai thác nhân vật bà cô cay nghiệt một cách rõ nét bằng những nút thắt mang đầy tính nghệ thuật. Thông qua từng chi tiết, tác giả đã dần hé lộ hình ảnh bà cô với bản chất độc ác và thâm hiểm. Trước tình cảnh đáng thương của cháu mình, bà ta lại ngọt ngào cười hỏi “Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?” Có lẽ, người đọc chưa nhận rõ con người thật của bà ta mà nghĩ rằng đây chỉ là một lời hỏi thăm tận tình của một người cô đối với cháu mình. Nhưng không, đó là hành động “cười hỏi” chứ không phải quan tâm, là “cười hỏi” chứ không phải lo lắng, lại càng không phải là sự cảm thương cho hoàn cảnh của đứa cháu. Có lẽ vì thế, mà Hồng ngay lập tức “nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô”, chú bé dù muốn vẫn cúi đầu không đáp. Chú bé hiểu rõ, bà cô ấy chỉ muốn gieo rắc vào đầu chú những sự hoài nghi, khinh miệt và ruồng rẫy đối với người mẹ hiền từ của chú. Nhưng với tình yêu thương và kính mến, sợ mẹ bị những “rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”, cậu lại cười đáp lại “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”.

Bà ta lại chẳng hề có ý định buông tha cho đứa cháu nhỏ đáng thương của mình, mà vẫn luôn ngọt giọng đáp lại cùng “hai con mắt long lanh” nhìn chằm chặp vào Hồng. Từng hành động, lời nói của bà cô đều mang ý xúc phạm, khinh bỉ mẹ Hồng. Bà ta cố ý gợi nhắc rằng cậu đã bị bỏ rơi, cố ý nhấn mạnh hai chữ “em bé” một cách đầy toan tính. Chú bé Hồng chỉ có thể cố ngăn những giọt nước mắt của mình rơi xuống, còn bà ta thì vẫn hả hê trước sự chống cự đầy yếu ớt của Hồng. Nhìn thấy Hồng càng đau đớn, bà ta càng hả hê vì chiến thắng của mình, rồi lại kể về những hình ảnh gầy gò, chật vật của mẹ Hồng với cậu. Có lẽ, mục đích duy nhất của bà ta trong cuộc hội thoại này là nhìn thấy Hồng ghét bỏ, căm giận và khinh bỉ mẹ mình. Qua một đoạn văn ngắn, nhà văn đã lột trần bộ mặt giả dối, trơ trẽn, thâm hiểm và độc ác của bà cô bằng ngòi bút tinh tế của mình. Bà ta là một kẻ không có tình người, rắp tâm làm tổn thương một đứa trẻ khốn khổ, để rồi lại càng thích thú, thỏa mãn khi nhìn đứa cháu ruột của mình dằn vặt, đau thương. Đặc biệt, đây là một nhân vật mang tính biểu tượng, bà ta tượng trưng cho những định kiến hẹp hòi, tàn nhẫn với người phụ nữ và là nhân vật đại diện cho hạng người sống tàn nhẫn, khô héo cả tình máu mủ ruột rà trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến thời bấy giờ.

Mặc cho những lời ác ý về mẹ mình luôn ám ảnh bên tai, chú bé Hồng vẫn không hề ghét bỏ hay căm giận mẹ. Cuộc đối thoại với bà cô đã thể hiện tình yêu thương mãnh liệt cùng sự kính trọng mà Hồng dành cho mẹ. Khi nghe bà cô hỏi chuyện, với sự nhạy cảm của mình, Hồng đã sớm nhận ra ý nghĩ cay độc sau vẻ mặt rất kịch của bà cô. Chú bé sau khi giữ im lặng, đã quyết định từ chối lời đề nghị của bà cô vì lo sợ “bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến” tình thương mà cậu dành cho mẹ. Cậu luôn có một niềm tin mãnh liệt rồi mẹ sẽ trở về với mình, rồi trả lời bà cô mà khóe mắt cay cay. Nhưng bà cô ấy chẳng hề có ý định buông tha cho cậu, mà ngày càng tấn công một cách dồn dập và mãnh liệt. Giọt nước mắt đọng mãi trên khóe mắt rồi cũng rơi xuống một cách nặng trĩu như lòng cậu vậy. Những lời nói cay nghiệt về mẹ cứ thế lại tấn công và bóp nghẹn trái tim bé nhỏ đầy non nớt của Hồng. Chi tiết Hồng cười dài trong nước mắt như chạm đến tận cùng sự thương cảm của người đọc. Chú bé ấy đã phải trải qua những nỗi thống khổ như thế nào, đã phải gồng mình chống chịu đến bao nhiêu thì mới có thể sâu sắc, hiểu chuyện và nhạy cảm khi tuổi đời còn rất nhỏ đến vậy?

Hồng vì thương mẹ mà cố gắng chống cự trước những lời lẽ cay nghiệt, thâm hiểm và độc ác của bà cô. Lúc này, cậu dường đang giận dữ tột cùng vì những hủ tục đã đầy đọa mẹ mình và nếu có thể, chú mong được cắn chúng cho nó nát vụn mới thôi. Chỉ mới một đoạn văn nhỏ, hình ảnh một cậu bé đáng thương mang trong mình sự đau đớn, xót xa trước lời gièm pha về người mẹ bất hạnh của mình như hiện lên một cách rõ nét trong lòng người đọc. Chú bé Hồng là một người có trái tim nhân hậu, có niềm tin sâu sắc và tình yêu thương dành cho mẹ một cách mãnh liệt. 

Tình yêu thương dành cho mẹ như được thể hiện một cách rõ nét hơn qua chi tiết Hồng bất ngờ được gặp lại mẹ. Khi mới chỉ thoáng nhìn thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ mình, cậu đã hoảng hốt chạy vội theo với tâm trạng vừa bối rối, vừa lo âu. Còn gì đau đớn hơn nếu người ngồi trên xe ấy không phải mẹ Hồng? Nhưng giờ đây, có lẽ dù phải chịu những sự châm chọc đầy ẩn ý, thì cậu vẫn chọn quyết đuổi theo với khát khao được gặp mẹ. Cuối cùng, những sự chịu đựng và tình yêu thương ấy đã được đền đáp. Cậu lại được ngồi vào lòng mẹ, lại được mẹ vỗ về trong sự trìu mến đầy ấm áp. Trong giây phút đó, chú bé Hồng òa lên khóc một cách vô tư, hồn nhiên như chính độ tuổi của chú. Đó là những giọt nước mắt đã bị dồn nén bấy lâu nay, là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc pha chút tủi hờn chứ không phải vì sự căm giận, phẫn uất. 

Cảm giác sung sướng đến cực điểm khi Hồng được ngồi vào lòng mẹ đã được tác giả diễn tả một cách vô cùng tinh tế. Nó đã tạo nên một không gian đầy màu sắc, ánh sáng và hương thơm vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Nó là một hình ảnh về thế giới đang hồi sinh với tràn đầy tình mẫu tử tinh khiết, thiêng liêng. Chú bé Hồng cứ thế bồng bềnh trong cảm giác vui sướng đầy rạo rực. Dường như những tủi cực và những lời cay độc của bà cô đã tan biến đi trong giây phút ấy. Và cũng chính giây phút này, một bài ca chân thành đầy cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt đã được Nguyên Hồng viết lên qua lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng.  

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” là một phân đoạn thành công của câu chuyện và nó được xây dựng nên bởi nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình. Qua từng dòng chữ, hình ảnh và tính cách của mỗi nhân vật sẽ được tác giả khai thác và bộc lộ lên một cách cụ thể. Đồng thời, câu chuyện cũng mang đậm chất trữ tình được thể hiện qua các tình huống truyện cùng ngôn ngữ kể chuyện tinh tế, đầy cảm xúc và chất thơ cũng chính là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của đoạn trích này!

Chỉ với một đoạn trích ngắn ngủi, nhưng cũng quá đủ để người đọc nhận ra được bộ mặt dối trá, thâm hiểm của một lớp người luôn đặt nặng hủ tục phong kiến lên người phụ nữ, mà điển hình đó là nhân vật bà cô. Đồng thời, qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”, tác giả đã bộc lộ sự đồng cảm với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ và tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng có khả năng lấn át hết mọi vật cản đường.

Đó là bài văn mẫu Trong lòng mẹ chi tiết mà các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 8

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *