Văn mẫu Đấu tranh cho một thế giới hòa bình dành cho học sinh lớp 9

Văn mẫu Đấu tranh cho một thế giới hòa bình dành cho học sinh lớp 9

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Đấu tranh cho một thế giới hòa bình được chia sẻ trong bài viết dưới đây để có thể làm bài tốt hơn nhé!

văn mẫu Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Đề: Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Nhân loại đã trải từng qua hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng khốc liệt vào thế kỉ XX, nhưng hậu quả khủng khiếp và nỗi đau mà nó mang đến vẫn còn tàn dư mãi nơi hậu thế. Chẳng ai dám chắc sẽ có một cuộc chiến tranh nào đó xảy ra vào tương lai nữa hay không, nhưng sự hủy diệt khủng khiếp đến từ cuộc chiến đó là điều có thể dự báo trước. Trong “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” G.Mác-két đã đánh lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả nhân loại và nêu lên nhiệm vụ cấp bách của từng cá nhân trong cộng đồng. Đó là mỗi người cần phải nhận thức một cách rõ nét về nguy cơ của chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân và tham gia vào cuộc đấu tranh cho hòa bình của toàn nhân loại.

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình là một văn bản thuộc thể loại nghị luận văn học. Với lập luận chặt chẽ và những dẫn chứng đầy sức thuyết phục, tác giả đã làm sáng tỏ luận đề thông qua luận điểm chính của văn bản, đó là: chiến tranh hạt nhân chính là một hiểm họa tiềm tàng có khả năng đe dọa đến loài người và mọi sự sống trên trái đất, vì thế, đấu tranh cho một thế giới hòa bình là nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại. Từ luận điểm chính đó, tác giả đã triển khai thành một hệ thống luận cứ vô cùng toàn diện. Đi sâu vào nội dung văn bản, từng luận cứ đó sẽ được tác giả trình bày một cách rõ nét và đem lại một cái nhìn chân thực hơn về những vấn đề mà ông muốn truyền tải đến với người đọc. 

Luận cứ đầu tiên mà tác giả xây dựng nên trong văn bản chính là chỉ rõ nguy cơ và hiểm họa to lớn mà chiến tranh hạt nhân có thể gây nên. Để làm sáng tỏ luận cứ này, tác giả đã cho thấy tính chất hiện thực và sự khủng khiếp đến từ kho vũ khí hạt nhân. Tác giả đã mở đầu bài viết bằng việc xác định một khoảng thời gian cụ thể “Hôm nay ngày 8 – 8 – 1986” và một con số ấn tượng khiến người đọc phải cảm thán “50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh”. Từ đó, tác giả đã cho người đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của điều này với một phép tính đơn giản “mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ”. Như thế, sự việc này không hề đơn giản và nó mang một tính chất cực kỳ đáng báo động. Con người sẽ phải đối mặt với những hiểm họa kinh khủng khi “tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất”. Mỗi chúng ta đều đang có nguy cơ đối diện với những sự tàn khốc có thể bùng nổ khi chiến tranh hạt nhân xuất hiện. Một minh chứng đơn giản cùng một phép tính cụ thể đã làm thức tỉnh toàn thể nhân loại, để rồi chúng ta hiểu rõ bản thân đang rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà nếu chúng ta không hành động, mọi sự sống trên trái đất này đều sẽ bị đe dọa.

Để thấy rõ hơn về sức tàn phá khủng khiếp của kho vũ khí hạt nhân, tác giả đã tiếp tục đưa ra những tính toán lí thuyết đầy thuyết phục. Kho vũ khí hạt nhân ấy “có thể tiêu diệt tất cả những hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa và phá hủy thế cân bằng của hệ mặt trời”. Từ những lập luận trên, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất đã được tác giả chỉ ra rất cụ thể. Và chính cách vào đề trực tiếp với những dẫn chứng xác thực ấy đã giúp văn bản tăng phần thu hút và gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với người đọc. Đồng thời, tác giả qua đó đã thành công nhấn mạnh tính chất hệ trọng của vấn đề đang được bàn luận.

Trong đoạn văn tiếp theo, tác giả đã tiếp tục xây dựng một luận cứ mới nhằm làm hoàn thiện luận điểm chính của văn bản. Đó là cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã làm mất đi khả năng để con người được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Luận cứ này được tác giả làm rõ với hàng loạt dẫn chứng cụ thể cùng một số phép so sánh trong nhiều lĩnh vực như xã hội, y tế, giáo dục, tiếp tế thực phẩm. Chi phí cứu trợ cho trẻ em nghèo khổ chỉ bằng chi phí cho 100 máy bay B.1B của Mĩ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu. 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân của Mĩ có thể bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét, đồng thời cứu 14 triệu trẻ em châu Phi. Với số tiền chi cho 149 tên lửa MX là đủ giải quyết việc thiếu dinh dưỡng cho 575 triệu người, và 27 chiếc tên lửa MX có khả năng trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong bốn năm. Và đặc biệt, chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới. Từ những phép so sánh đó, tác giả đã làm nổi bật sự tốn kém ghê gớm và tính chất phi lý của cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới. Qua luận cứ này, người đọc có thể nhận thức đầy đủ rằng cuộc chạy đua cho vũ trang để chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã và đang cướp đi vô vàn điều kiện cải thiện cuộc sống cho thế giới. Đó là những sự thật đang hiện hữu và tồn tại một các hiển nhiên, nhưng nó lại khiến người đọc phải ngạc nhiên, bất ngờ bởi sự phi lí một cách khó lí giải. Thay vì tập trung tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, thay vì trao gửi hàng triệu nụ cười cho những hoàn cảnh khốn khổ, thay vì đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em trên thế giới, thì người ta lại sẵn sàng đánh đổi rất nhiều thứ để chạy theo cái có thể hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất, kể cả con người? Thế thì có khác gì chúng ta cố gắng làm hại chính mình, và cái kết sẽ là chuỗi sự kiện sự thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại? Dẫu là một điều phi lí, nhưng nó vẫn luôn tồn tại cho đến tận hôm nay.

Luận cứ thứ ba mà tác giả xây dựng trong văn bản ở phần tiếp theo chính là: chiến tranh hạt nhân chẳng những đi ngược lại với lí trí của con người mà còn phản lại sự tiến hóa của tự nhiên. Chiến tranh hạt nhân không chỉ tiêu diệt nhân loại mà còn tiêu hủy mọi sự sống trên Trái Đất. Chính vì thế, nó phản tiến hóa và phản lí trí tự nhiên: nghĩa là phản lại quy luật, logic tất yếu của tự nhiên. Tác giả đã đưa ra một số chứng cứ từ khoa học địa chất và sinh học về sự phát triển, tiến hóa của mọi sự sống trên trái đất. Để cho thấy sự sống ngày hôm nay là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài của tự nhiên: “Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên trái đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi”. Vậy mà, chỉ cần một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra mà thôi, mọi sự tiến hóa đều phải trở về với điểm xuất phát ban đầu. Chiến tranh hạt nhân sẽ phá hủy toàn bộ những công trình lâu đời mà tạo hóa ban tặng, nó sẽ loại bỏ đi mọi thành quả của quá trình tiến hóa trong tự nhiên. Như thế này, sự tồn tại của chiến tranh hạt nhân chính là một việc phản tự nhiên, phản tiến hóa của nhân loại.

Sau khi đã chỉ ra những tính chất phi lí, phản tự nhiên của chiến tranh hạt nhân, tác giả đã sử dụng một luận cứ cuối cùng để kết bài: nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và đấu tranh cho một thế giới hòa bình là một nhiệm vụ cấp bách và thiết yếu của toàn nhân loại. Đây cũng chính là chủ đích của thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi đến mọi người. Hiểm họa của hạt nhân đang đe dọa con người và mọi sự sống trên trái đất này. Nhưng tác giả không vì thế mà hướng người đọc đến nỗi lo âu đầy bi quan về vận mệnh của toàn nhân loại, mà ông đã hướng người đọc đến một thái độ sống tích cực nhằm đem lại một tương lai tươi sáng cùng kết quả tốt đẹp hơn. Đó là một lời kêu gọi toàn nhân loại cùng chung tay đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho một thế giới hòa bình chỉ ngập tràn trong tiếng cười và sự hạnh phúc. 

“Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó, đem tiếng nói của chúng ta tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng”. Một thế giới tươi đẹp, hòa bình và công bằng luôn là bức tranh tương lai mà mọi người luôn muốn vẽ nên. Liệu thế giới ấy có thực sự tồn tại hay không? Sẽ có, nếu như chúng ta cùng chung tay ngăn chặn hiểm họa hạt nhân và đấu tranh vì thế giới tốt đẹp của chính chung ta. Lời kêu gọi của tác giả đã kết thúc bằng một đề nghị đầy cứng rắn: “Cần lập ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ tồn tại được cả sau thảm họa hạt nhân, để nhân loại các thời đại sau biết đến cuộc sống của chúng ta đã từng tồn tại trên trái đất”, đồng thời, đó cũng là minh chứng để chỉ trích “những kẻ đã vì lợi ích ti tiện mà đẩy nhân loại vào họa diệt vong”. Đây là một đề nghị đanh thép, qua đó, nhà văn muốn nhấn mạnh rằng, nhân loại cần lưu lại những kí ức và trang dấu lịch sử của rồi, và rồi chính lịch sử sẽ là nơi lên án những thế lực hiếu chiến đã đẩy nhân loại vào nơi vực thẳm của thảm họa hạt nhân.

Bằng những lập luận chặt chẽ và dẫn chứng xác thực, “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” đã đem đến cho người đọc những nhận thức rõ nét và chân thực nhất về chiến tranh hạt nhân và hậu quả mà nó đem lại. Từ đó, tác phẩm là một lời kêu gọi toàn thể nhân loại phải cùng nhau chung sức, chung lòng chống lại chiến tranh hạt nhân và đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Đó là bài văn mẫu Đấu tranh cho một thế giới hòa bình mà các bạn học sinh lớp 9 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 9

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *