Văn mẫu Cuộc chia tay của những con búp bê lớp 7

Văn mẫu Cuộc chia tay của những con búp bê lớp 7

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Cuộc chia tay của những con búp bê hay nhất dưới đây để làm bài một cách tốt nhất nhé!

văn mẫu Cuộc chia tay của những con búp bê

Đề: Cảm nghĩ của em về “Cuộc chia tay của những con búp bê”

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người, là nơi dù cho cả thế giới có hắt hủi, xa lánh bạn, thì gia đình vẫn luôn giang rộng vòng tay chào đón bạn trở về trong tình yêu thương vô bờ bến. Vì thế, hãy cảm thấy may mắn khi bạn vẫn còn nơi gọi là gia đình với những thành viên đủ đầy hạnh phúc. Bởi vì đôi khi, thứ bạn đang quên lãng lại chính là điều mà người khác hằng mong ước. Trong “Cuộc chia tay của những con búp bê”, câu chuyện kể về sự chia ly của Thành và Thủy chính là minh chứng cho điều này. Để rồi khi đọc tác phẩm, người đọc như chìm trong mớ suy nghĩ hỗn độn về một tổ ấm bị phá vỡ vì cách xử sự sai lầm làm tổn thương trẻ nhỏ của người lớn.

Câu chuyện kể về cuộc chia tay đầy cảm động giữa hai anh em Thành và Thủy. Hai anh em dù rất thương yêu nhau, nhưng vì bố mẹ ly hôn nên cả hai đã bị chia cắt. Thành ở lại thành phố cùng bố, còn Thủy phải chia tay mọi người để về quê cùng mẹ. Từ đó, tác giả muốn truyền tải một thông điệp đến tất cả mọi người, rằng tổ ấm là một thứ vô cùng quý giá và thiêng liêng, hãy luôn biết trân trọng và giữ gìn nó. Đừng để bất kỳ điều gì làm tổn hại đến tổ ấm – chốn về sau cuộc đời mỏi mệt của mỗi con người.

Ngay từ giây phút đầu đọc truyện, người đọc đã cảm thấy vô cùng thắc mắc về tiêu đề của câu chuyện. Tại sao lại là “Cuộc chia tay của những con búp bê” trong khi búp bê chỉ là những vật vô tri vô giác, không hề có cảm xúc và chẳng biết khóc biết cười bao giờ? Hay tác giả còn có một dụng ý nghệ thuật nào đó khi sử dụng cái tên này? Thật vậy, những con búp bê vốn là đồ chơi của trẻ nhỏ, chúng gắn liền với thế giới đầy màu sắc tươi đẹp của trẻ em. Nhưng những con búp bê trong truyện, chúng cũng như hai anh em Thành và Thủy, chỉ là những đứa trẻ trong sáng, ngây thơ, không gây nên một tội lỗi gì, ấy thế mà lại phải chia tay. Từ đó, tên chuyện chính là một phép ẩn dụ cho cuộc chia ly của hai anh em, và nó buộc người đọc phải dõi theo để hiểu hết ý đồ của người viết muốn thể hiện trong câu chuyện.

Đầu truyện, người đọc như hình dung ra một cảnh tượng vô cùng đau buồn, đó là hình ảnh hai anh em Thành và Thủy sắp phải đối diện với thời khắc chia xa. Cả đêm qua cả hai anh em đều chẳng thể ngủ được. Tiếng khóc đầy nức nở và tức tưởi của người em như khiến lòng ta quặn thắt lại. Còn Thành – người anh chỉ có thể nhìn em khóc và rồi cố mạnh mẽ “cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to”, nhưng lại không thể ngăn dòng nước mắt cứ tuôn ra ướt đẫm cả áo. Một cảm giác bất lực trào lên, nhưng cả hai ngoài khóc một cách đau thương ra cũng chẳng thể làm được gì nữa rồi!

Cảnh vật hôm chia tay vẫn đẹp đẽ một cách lạ thường như thế. Đằng đông, mặt trời vẫn cứ dần dần bừng sáng sau khi ngủ quên dưới chân núi. Những bông hoa sau vườn vẫn cứ “khoe lộ cánh rực rỡ”, lũ chim cứ nhảy nhót trên cành và ngoài đường cũng náo nhiệt như mọi khi. Mọi thứ vẫn đi vào hoạt động như những ngày bình thường. Ấy thế mà, một chuyện đau thương vượt sức chịu đựng của hai tâm hồn non nớt, bé nhỏ lại giáng vào đầu chúng một cách nặng nề đến vậy. 

Thành là một người anh hết mực yêu thương em gái, cậu luôn dành hết mọi thứ đồ chơi của mình cho em dù đồ chơi của cậu cũng chẳng có nhiều. Thủy cũng vậy, Thủy là một cô bé ngây thơ luôn biết lo nghĩ cho anh của mình. Khi mẹ bắt cả hai phải chia đồ chơi, Thủy đã có những hành động cùng thái độ vô cùng mâu thuẫn. Cô bé tức giận vì thấy Thành chia cắt hai con búp bê, nhưng lại vì thương anh, sợ anh không ngủ yên khi thiếu Vệ Sĩ canh gác mà cô đã bối rối sau khi “tru tréo lên rất giận dữ”. 

Liệu có cách nào giải quyết được mâu thuẫn ấy hay không? Đó là câu hỏi mà người đọc tự mình đặt ra khi cảm nhận sự mâu thuẫn đang trào lên trong lòng Thủy. Thật ra, chỉ có cách bố mẹ Thủy không ly hôn, cả gia đình cùng đoàn tụ và anh em họ không phải chia lìa thì mới có thể giải quyết mâu thuẫn này. Nhưng điều đó là không thể! Hai anh em họ còn quá nhỏ mà đã phải chia cắt, để rồi rời xa cái góc trời ký ức đầy dư âm và kỷ niệm của chính họ. Nhưng cả hai nào phải người quyết định cuộc chia tay này, mà họ chỉ là những nạn nhân sau quyết định ly hôn của ba mẹ chúng. Để rồi cả hai phải bỏ lại những tháng ngày hạnh phúc cùng tuổi thơ tràn đầy tình yêu thương gia đình sau cuộc hôn nhân không mấy ngọt ngào của bố mẹ.

Đến cuối truyện, người đọc như thương xót thay cho Thủy khi bé đã để lại Em Nhỏ bên Vệ Sĩ để chúng không bao giờ phải xa nhau. Đó là cách Thủy lựa chọn và tự giải quyết mâu thuẫn của chính mình. Từ đó, hình ảnh một cô bé giàu lòng vị tha, vừa thương anh, vừa thương cho sự chia lìa của hai con búp bê như hiện lên trước mắt người đọc. Cô bé ấy thà chịu thiệt còn hơn để búp bê phải xa nhau, thà chịu thiệt về phần mình để anh có một người bạn gác ngủ. 

Đau xót hơn cả là chi tiết cô và các bạn học của Thủy biết chuyện Thủy sẽ phải nghỉ học để đi mưu sinh cùng mẹ. Thủy còn quá nhỏ để phải gánh chịu những sự mất mát ấy. Em còn quá nhỏ để chứng kiến gia đình bé nhỏ của mình bị tan vỡ và phải xa lìa người anh mà em yêu quý. Em còn quá nhỏ để phải từ bỏ niềm vui đến trường và cùng mẹ đi kiếm tiền mưu sinh. Phải chăng, những nỗi đau mà em đang gánh chịu đấy, em không muốn những con búp bê của mình cũng phải bị vạ lây để rồi xa cách nhau. Vì thế, em đã cho chúng được đoàn tụ hay cũng chính là sự gửi gắm cuối cùng dành cho ước mơ không bao giờ chia ly mà em chẳng thể nào khiến nó trở thành hiện thực? 

Về phía Thành, cậu cũng phải gánh chịu những nỗi đau tinh thần to lớn như thế vì kết quả đổ vỡ của cuộc hôn nhân trên. Giây phút chia xa người em mà Thành thương yêu, em bỗng “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Trong khi thế giới ngoài kia vẫn đang diễn ra một cách bình thường, cảnh vật vẫn đẹp và cuộc đời vẫn bình yên, vui vẻ như mọi khi, thì Thành và Thủy lại phải gánh chịu những nỗi đau đớn của sự mất mát và đổ vỡ quá lớn của sự chia ly. Hay nói cách khác, trong khi tâm hồn của em đang nổi giông bão vì phải rời xa đứa em nhỏ mà em yêu quý, khi em như đang sụp đổ trong chính thế giới tâm hồn của em, thì ngoài kia, mọi thứ lại như chẳng có gì xao động. Chính chi tiết này đã giúp tác giả đặc tả diễn biến tâm lý của nhân vật, từ đó làm tăng thêm nỗi buồn sâu sắc cùng trạng thái bơ vơ, thất vọng của Thành.

Người lớn có bao giờ hiểu được trẻ em sẽ nghĩ gì khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn và phải rời xa những thành viên gia đình mà mình yêu thương nhất? Nếu như bố mẹ Thành và Thủy là những người tâm lý hơn, họ chịu chia sẻ, quan tâm và lắng nghe ý kiến của cả hai anh em, nếu như họ thật sự đứng từ vị trí của con mà cảm nhận, thì có lẽ kết thúc của câu chuyện này sẽ đi theo một chiều hướng khác. Có thể đổ vỡ trong hôn nhân dẫn đến ly hôn là kết quả không thể tránh khỏi đối với họ, nhưng họ có thể dùng những cách khác để tránh khiến trẻ con bị tổn thương. Để rồi, chúng sẽ mang theo những vết thương hằn sâu trong tim đi theo đến tận cùng cuộc đời…

Tác phẩm “Cuộc chia tay của những con búp bê” thông qua câu chuyện chia ly giữa hai anh em Thành và Thủy đã phản ánh nỗi đau của những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu sai lầm của bố mẹ. Nỗi đau tinh thần do chính cha mẹ gây nên đó đôi khi đã vô tình đẩy trẻ nhỏ vào những con đường tối tăm không có hơi ấm gia đình. Song, qua câu chuyện này, người đọc còn nhìn thấy những tình cảm anh em rất đỗi trong sáng, tươi đẹp cùng tấm lòng nhân hậu, vị tha của những đứa trẻ chẳng may rơi vào cảnh gia đình tan vỡ. Từ đó, câu chuyện là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha làm mẹ, hãy luôn quan tâm, lắng nghe những gì con suy nghĩ và tránh làm con bị tổn thương vì những sai lầm của chính mình!

Đó là văn mẫu Cuộc chia tay của những con búp bê hay nhất mà các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 7

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *