Soạn văn Tự tình 2 tóm lược dành cho học sinh lớp 11

Soạn văn Tự tình 2 tóm lược dành cho học sinh lớp 11

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Tự tình 2 tóm lược dành cho học sinh lớp 11 dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

Soạn văn tự tình 2 tóm lược

I: Bố cục 

Cách chia bố cục 1:

  • Hai câu đề: Giới thiệu hình ảnh của người vợ lẽ đáng thương.
  • Hai câu thực: Cách giải quyết nỗi buồn tủi, tâm tư của người vợ lẽ.
  • Hai câu luận: Khát khao được sống hạnh phúc của người phụ nữ.
  • Hai câu kết: Quy luật khắc nghiệt của thời gian.

Cách chia bố cục 2: 

  • 4 Câu đầu: Nỗi lòng cô đơn, buồn tủi, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.
  • 4 Câu cuối: Tâm trạng tuyệt vọng của người phụ nữ.

II: Hướng dẫn soạn văn Tự tình 2 tóm lược

Câu 1: Bốn câu thơ đầu của tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào? (Chú ý không gian, thời gian, giá trị biểu cảm của các từ ngữ: văng vẳng, dồn, trơ, cái hồng nhan, say lại tỉnh, mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn và thân phận nữ sĩ).

Trả lời:

– Về thời gian: đêm khuya.

– Về không gian: trống trải, tĩnh lặng.

– Về hoàn cảnh: đang ở một mình.

– Tâm trạng:

+ Ở hai câu thơ đầu, nỗi niềm buồn tủi, cô đơn tột cùng của tác giả được gợi lên vào giữa đêm khuya.

+ Ở hai câu sau, tác giả đã thể hiện rõ hơn thực cảnh và thực tình của chính mình, đó là sự bạc bẽo, rẻ rúng của thân phận, nhưng vẫn thể hiện bản lĩnh, sự thách thức của tác giả trước “nước non”, trước cuộc đời.

– Giá trị biểu cảm của các từ ngữ:

+ Từ “văng vẳng” và “dồn” dùng để tả âm thanh dồn dập trong không gian vắng lặng => Bước chân vội vã của thời gian.

+ Từ “trơ” có nghĩa là bẽ bàng, là tủi hổ, thêm vào hai chữ “hồng nhan” thiếu nữ lại đi cùng từ “cái” thì nó lại mang ý mỉa mai, rẻ rúng của thân phận người phụ nữ. Thế nhưng, trơ không chỉ là tủi hổ, bẽ bàng, mà nó còn là sự thách thức, “trơ” trước “núi non” thì lại càng mang vẻ bền gan, thách đố hơn cả.

+ “Say lại tỉnh” gợi lên cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống tẻ nhạt đầy buồn tủi. Càng say thì lại càng tỉnh, rồi lại càng cảm nhận rõ nét nỗi đau thân phận. 

+ Trăng sắp tàn (bóng xế) nhưng vẫn “khuyết chưa tròn”. Cũng như trăng, tuổi xuân của người phụ nữ ấy đã trôi qua, nhưng nhân duyên lại không được trọn vẹn. 

Câu 2: Hình tượng thiên nhiên trong hai câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Trả lời:

– Hai câu luận (câu 5 và 6) gợi nên nỗi niềm phẫn uất thông qua cảnh thiên nhiên và cảnh được cảm nhận qua tâm trạng của con người.

– Hình ảnh của thiên nhiên: rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây như vạch cả đất trời mà oán hờn, không chỉ bộc lộ nỗi phẫn uất mà còn thể hiện tâm thế phản kháng mãnh liệt của chúng.

– Biện pháp đảo ngữ được sử dụng càng làm nổi bật sự phẫn uất trong thân phận nhỏ bé của đất đá, cỏ cây và của chính tác giả.

– Những hình ảnh thiên nhiên đó đã làm rõ sức sống mãnh liệt, sự ngang ngạnh và tinh thần phản kháng cả trong những tình huống bi thương của Hồ Xuân Hương. 

Câu 3: Hai câu kết nói lên tâm sự gì của tác giả? (Chú ý nghĩa của từ xuân, từ lại; nghệ thuật tăng tiến: Mảnh tình – san sẻ – tí – con con).

Trả lời:

– Qua hai câu kết, tác giả đã thể hiện tâm trạng chán chường, buồn tủi của mình trước vòng tuần hoàn của cảnh đời éo le:

+ Xuân không chỉ là mùa xuân, còn là tuổi xuân của con người.

+ Từ “lại” thứ nhất là thêm lần nữa, nhưng từ lại thứ hai lại diễn tả sự trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Cụm từ đó kết hợp cùng từ ngán đã diễn tả tâm trạng ngán ngẩm tột cùng của tác giả

+ Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến “Mảnh tình – san sẻ – tí – con con” được sử dụng để nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần. Từ đó, nghịch cảnh được bộc lộ qua từng ý thơ càng được tô đậm và thêm phần éo le. “Mảnh tình” đã bé, ấy vậy mà còn phải “san sẻ” thành nhiều phần, chỉ còn lại cho ta “tí con con”. 

Câu 4: Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận vừa cho thấy khát vọng sống hạnh phúc của Hồ Xuân Hương, Anh (chị) hãy phân tích điều đó.

Trả lời: 

– Bi kịch duyên phận:

+ Phải san sẻ tình yêu, chịu cảnh cô đơn, tủi hờn vì phận chung chồng.

+ Tuổi xuân bị coi như một thứ rẻ rúng, cứ thế trôi qua một cách bạc bẽo.

– Khát vọng sống hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy trong cuộc đời bi kịch:

+ Sự ngang ngạnh, thách thức qua từ “trơ”, dẫu tủi hờn, cô đơn trong cuộc sống bạc bẽo nhưng Hồ Xuân Hương vẫn mang tinh thần phản kháng mãnh liệt.

+ Khát vọng sống mạnh mẽ còn được thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên: rêu “xiên ngang mặt đất”, như đá “đâm toạc chân mây”. Từ đó cho thấy tác giả không hề cam chịu mà luôn gồng mình lên để chống lại sự nghiệt ngã của số phận.

Đó là cách soạn văn Tự tình 2 tóm lược mà các bạn học sinh lớp 11 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 11 hoặc trong list bài soạn văn 11

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *