Soạn văn Cổng trường mở ra chi tiết dành cho học sinh lớp 7

Soạn văn Cổng trường mở ra chi tiết dành cho học sinh lớp 7

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Cổng trường mở ra chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Cổng trường mở ra

Giới thiệu văn bản “Cổng trường mở ra”

Cổng trường mở ra là một bài kí được trích từ báo Yêu trẻ của tác giả Lý Lan. Bài văn là nỗi lòng của người mẹ trong một đêm chuẩn bị cho con bước vào ngày khai trường đầu tiên trong đời. Tác phẩm này tuy không được xây dựng dựa trên cốt truyện hấp dẫn, nhưng nó lại gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi giọng văn nhẹ nhàng đầy tinh tế mang theo cả một bầu trời tâm sự của người mẹ. Theo dòng tâm tư đầy thổn thức ấy, người đọc như được sống dậy trong những ngày đầu chập chững đến trường, mà đằng sau cổng trường ấy, là cả một bầu trời tri thức rộng lớn được ẩn chứa trong thế giới diệu kì.

Tóm tắt văn bản

Đêm trước ngày đưa con đến trường vào buổi khai giảng đầu tiên, người mẹ chẳng thể ngủ được. Nhìn con ngủ say, lòng người mẹ lại xúc động nhớ về hành đồng khác hẳn ngày thường của con vào hôm ấy. Trong dòng hồi tưởng, bà nhớ về kỉ niệm sâu sắc của chính bản thân mình vào ngày khai trường đầu tiên. Nhìn ngắm con, người mẹ thả mình trong những suy nghĩ về tương lai của con, đồng thời nghĩ đến ngày khai trường ở Nhật Bản – một ngày lễ thực sự của toàn xã hội. Nơi đó ai ai cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến thế hệ tương lai. Toàn bộ tâm tư của người mẹ trong đêm đó chính là tình cảm, niềm tin và khát vọng vào một tương lai tươi sáng của con sau cánh cổng trường đầu tiên kia.

Đọc – Hiểu văn bản

Câu 1: Sau khi đọc, hãy tóm tắt nội dung của văn bản Cổng trường mở ra bằng một vài câu ngắn gọn. (Trả lời: Tác giả viết về cái gì, việc gì?)

Trả lời:

Cổng trường mở ra là lời tâm sự của người mẹ trước ngày tựu trường của con. Khi con đã ngủ say, người mẹ vẫn không thể ngủ được và bồi hồi nhớ lại những hoạt động của con mọi ngày. Từ đó, kí ức và những kỉ niệm của chính bản thân người mẹ trong ngày khai trường đầu tiên lại ùa về. Người mẹ lại nghĩ về tương lai của con, rồi liên tưởng đến ngày khai giảng ở Nhật, đó là một ngày hội thực sự của toàn xã hội và là nơi mọi người đều quan tâm đến thế hệ tương lai.

Câu 2: Đêm trước ngày khai trường, tâm trạng của người mẹ và đứa con có gì khác nhau? Điều đó biểu hiện ở những chi tiết nào trong bài?

Trả lời:

Đêm trước ngày khai trường, người mẹ dường như chẳng thể nào chợp mắt được. “Mẹ lên giường và trằn trọc”, “mẹ không tập trung được vào việc gì cả”… Người mẹ như quẩn quanh trong những suy nghĩ của riêng mình, bà nhớ lại kỷ niệm ngày tựu trường thuở nhỏ, lại nhìn con mà ngủ say mà lo lắng cho tương lai của đứa trẻ. Ấy thế mà, ngược lại với tâm trạng của mẹ, đứa con vô cùng háo hức về chuyện mình sắp được vào lớp Một và giờ đây “gương mặt thanh thoát của con đang tựa nghiêng trên gối mềm”, con vô tư ngủ một cách an nhiên, mặc cho dòng suy nghĩ của người mẹ cứ mãi quẩn quanh trong tâm trí.

Câu 3: Theo em, tại sao người mẹ không ngủ được? Chi tiết nào chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ?

Trả lời:

Người mẹ không ngủ được vì ngày mai là ngày khai trường – một ngày vô cùng quan trọng, không chỉ đối với con mà đối với tất cả mọi người. Ngày mai, con sẽ trở thành học sinh lớp một, ngày mai, con sẽ được tiếp cận một môi trường mới với những niềm vui mới. Vì thế, mẹ muốn khắc ghi vào lòng con những cảm xúc rạo rực, xao xuyến của buổi khai trường. Nhìn con, người mẹ lại nhớ về những kỉ niệm đẹp ngày khai trường của chính mình. Người mẹ lại tiếp tục trằn trọc khi nghĩ đến ngày khai trường tại Nhật Bản – cái ngày nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Và giây phút hạnh phúc cầm tay con dắt tới cổng trường để con bước vào thế giới kì diệu đã khiến người mẹ không thể ngừng suy nghĩ và mong chờ.

Ngày khai trường đã làm sống dậy trong lòng người mẹ những kỉ niệm ngày đầu đến lớp thật đẹp đẽ và đáng nhớ: “Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp … thế giới mà mẹ vừa bước vào”. Chi tiết này đã chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ. 

Câu 4: Có phải người mẹ đang nói trực tiếp với con không? Theo em, người mẹ đang tâm sự với ai? Cách viết này có tác dụng gì?

Trả lời:

Lời văn cùng cách xưng hô khiến ta dễ lầm tưởng rằng người mẹ đang nói chuyện tâm sự cùng con. Tuy nhiên, thực chất là người mẹ không trực tiếp nói chuyện với con hay với một ai cả. Bà chỉ đang nhìn con ngủ, trông như đang tâm sự cùng con, nhưng lại đang nói với chính mình. Người mẹ cứ thể chìm vào những suy nghĩ riêng và trở về lại với kỉ niệm của bản thân thuở đầu khai trường.

Cách viết này có tác dụng làm nổi bật tâm trạng của người mẹ, để rồi khắc họa những tâm tư, tình cảm và bộc lộ những điều từ sâu thẳm tâm can khó có thể thổ lộ bằng lời.

Câu 5: Câu văn nào trong bài nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ.

Trả lời:

Câu văn “Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này” đã nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ. Bởi vì đứa trẻ như một trang giấy trắng, ngày hôm nay, giáo dục vẽ lên trên đó những gì, thì nó sẽ hằn sâu mãi mãi tại đó và chẳng thể nào tẩy xóa đi được. Từ đó, câu văn đã nhấn mạnh rằng, người truyền đạt giáo dục cần có sự tâm huyết và đi theo con đường đúng đắn để không làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ, thậm chí là tương lai của một quốc gia.

Câu 6: Người mẹ nói: “… bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Đã bảy năm bước qua cánh cổng trường, bây giờ em hiểu thế giới kỳ diệu đó là gì?

Trả lời:

Nếu như trong các câu chuyện cổ tích thần kì, thế giới kì diệu là một thế giới vô cùng hấp dẫn với những nhân vật đáng yêu có phép lạ, thì đằng sau cánh cổng trường kia, thế giới kì diệu ấy sẽ là một thế giới ngập tràn tri thức và tình yêu thương con người. Và trong thế giới đó, người thầy, người cô chính là người lái đò thầm lặng. Họ sẽ đưa học sinh đến với bến bờ tri thức của nhân loại. Đồng thời, đó còn là thế giới của tâm hồn, tình cảm, là thế giới của tình thầy trò bao la, tình bạn thắm thiết vĩnh hằng.

Đó là cách soạn văn Cổng trường mở ra chi tiết nhất mà các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 7 hoặc trong list bài soạn văn 7

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *