Văn mẫu Tức nước vỡ bờ – Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Văn mẫu Tức nước vỡ bờ – Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Tức nước vỡ bờ được chia sẻ trong bài viết dưới đây để có thể làm bài tốt hơn nhé!

văn mẫu Tức nước vỡ bờ

Đề bài: Phân tích đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.

Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng tại Việt Nam. Ông đã có những đóng góp to lớn trong văn học nước nhà và được mệnh danh là “nhà văn của nông dân” bởi những tác phẩm của ông gần như đều viết về nông thôn và đã gặt hái được những thành công nhất định ở đề tài này. Trong đó, tiểu thuyết Tắt Đèn là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông. Đặc biệt, đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là một trong những phân đoạn thành công nhất của tác phẩm này. Qua câu chuyện về vụ thuế ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, bộ mặt tàn ác bất nhân của chế độ phong kiến đã được lột trần một cách rõ nét. Đồng thời, tác giả đã bày tỏ lòng thương cảm đối với tình trạng thống khổ của người nông dân được thể hiện qua hình ảnh nhân vật chị Dậu. 

Tại sao đoạn trích được đặt tên là “Tức nước vỡ bờ”? Tức nước vỡ bờ là cụm từ ám chỉ rằng, bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Nếu vượt quá giới hạn cho phép thì sự chịu đựng không còn nữa mà thay vào đó bằng một hành động phản kháng quyết liệt, giống như bờ bị nước ép quá không thể nào giữ yên được và phải vỡ ra. Như vậy, hành động đấu tranh của chị Dậu đã thể hiện rõ được cái nhan đề. Đó là một logic hiện thực, rằng có áp bức thì tất có đấu tranh, và con đường sống của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh để tự giải phóng và không còn con đường nào khác. Dù là một hành động tự phát, nhưng nó đã cho thấy sức mạnh tiềm tàng của người nông dân. Sức mạnh ấy được bắt nguồn từ ý thức nhân phẩm, từ tình yêu thương con người 

Với ngòi bút tả thực sắc sảo, Ngô Tất Tố đã thành công phác họa lại xã hội nước ta thời điểm nửa thực dân – nửa phong kiến một cách rõ nét. Trong đó, mỗi một nhân vật đều mang ý nghĩa tượng trưng cho từng tầng lớp khác nhau. Đoạn trích như đưa người đọc trở về với bối cảnh vụ thuế đang trong thời điểm gay gắt nhất. Chị Dậu mặc dù đã phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai để nộp thuế sưu cho chồng, nhưng vì từ đâu lại mọc thêm suất sưu cho người em chồng đã mất từ năm ngoái, thế là anh Dậu vẫn cứ là thiếu sưu. Quan trên sắp về tận làng để đốc thuế, vì thế mà bọn tay sai vẫn không ngừng xông vào từng nhà để đánh trói, bắt bớ những người chưa nộp thuế. Và dĩ nhiên, chúng nào có buông tha cho anh Dậu. Sau trận đòn nhừ tử khiến anh Dậu lâm vào cảnh “ốm đau rề rề”, tưởng chừng đã chết từ đêm qua, chị Dậu phải chạy ngược chạy xuôi, khó khăn lắm mới vay mượn và nấu cho anh một nồi cháo loãng. Tuy nhiên, cháo còn chưa kịp ăn một muỗng nào, thì bọn tay sai đã ập vào đòi đánh trói chồng chị. Với tình thế của chồng chị, nếu như lại bị chúng đánh trói một lần nữa thì khó mà qua khỏi hỏi. Vì thế, lúc bấy giờ, vấn đề to lớn nhất đối với chị Dậu đó là làm sao bảo vệ được chồng mình. 

Từng lời nói, từng cử chỉ khi chị khi chăm chồng đều thể hiện nét đẹp của sự dịu dàng, nét đẹp của sự hy sinh thầm lặng vốn có của người phụ nữ Việt Nam ngày trước. Chồng lâm vào cảnh ốm đau, chị bỗng chốc trở thành trụ cột của một gia đình. Chị phải gồng mình gánh chịu mọi sự đau khổ, túng quẫn vì sưu thuế đè nặng lên đôi vai gầy guộc của chị. Lúc bấy giờ, tiền ăn uống sinh hoạt còn không đủ, thì đào đâu ra tiền nộp thuế. Khó khăn lắm chị mới xoay được một khoản tiền nộp sưu cho chồng. Thế mà chưa kịp vui mừng vì đã thoát khỏi con quỷ vô hình hút máu người ấy, cái thứ thuế ấy vẫn không ngừng đầy đọa, bu bám lấy chị khi từ đâu lại mọc thêm một suất sưu cho em chồng đã mất từ năm ngoái. Với hoàn cảnh ấy, thì có lẽ chỉ cần là con người, thì nghe qua đã thấy thương xót thay cho số phận ấy. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản được đòn roi của bọn bất nhân, vô lại luôn tự xưng mình là người đại diện cho “nhà nước”, nhân danh “phép nước” mà hành động. Liệu chúng có còn là con người? Hay chúng chính là những con thú dữ luôn chờ cơ hội để vồ vập, xâu xé từng chút từng chút vốn liếng cuối cùng của cuộc đời những người nông dân khốn khổ?

Tác giả đã thành công trong việc khai thác từng ngóc ngách của mỗi nhân vật để phơi bày ra toàn bộ xã hội với bọn quan lại thối nát ngày đó. Tên cai lệ và người nhà lí trưởng xuất hiện với những hành động lỗ mãng “sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và tay thừng”. Có lẽ vì quá sợ hãi và cũng chẳng còn sức chống cự mà anh Dậu “lăn đùng ra đó, không nói được câu gì”. Trước tình huống ấy, chị Dậu chỉ có thể xuống nước van xin để bọn chúng rũ lòng thương mà tha cho nhà chị một lần. Chị đã dùng những lời lẽ van xin một cách tha thiết nhất, thậm chí xưng bằng “ông – cháu” một cách lễ phép và nhún nhường. Có lẽ, tận sâu bên trong chị cũng hiểu được rằng, chị chỉ là một người nông dân thấp cổ bé họng, nào có thể dám lên giọng với những người có “chức quyền”. Với bản tính mộc mạc, quen nhẫn nhịn của mình, chị đã cố khơi gợi lương tâm của những ông cai. 

Nhưng tên cai lệ đó nào phải con người mà có lương tâm? Hắn chỉ là một con vật trung thành, một tay sai chuyên nghiệp và là một công cụ cực kỳ đắc lực của bộ máy xã hội tàn bạo ngày ấy. Chức năng duy nhất của hắn là đánh trói người, có lẽ vì thế mà hắn luôn làm việc này với kỹ thuật vô cùng thành thạo và sự “say mê mù quáng”. Trong đoạn trích, tác giả đã miêu tả hắn một cách chân thực qua các hành động “sầm sập tiến vào”, “trợn ngược hai mắt”, “giật phắt cái thừng”, “chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu”. “bịch vào ngực chị dậu”. Dường như toàn bộ ý thức của hắn chỉ là ra tay đánh trói người thiếu thuế. Ngôn ngữ của hắn cũng nào phải ngôn ngữ của con người, mà đó là ngôn ngữ của thú dữ. Phải chăng vì lẽ đó mà hắn chẳng hề có khả năng nghe hiểu tiếng nói của đồng loại? Vậy nên dẫu cho đối diện với hoàn cảnh khốn khổ của vợ chồng anh Dậu, đối diện với những lời van xin tha thiết của người đàn bà nghèo khó, hắn lại không hề mảy may dao động? Thay vào đó, hắn đáp lại bằng những câu chửi thô tục và những hành động hung hăng tán tận lương tâm?

Về phần chị Dậu, sau khi đã dùng những lời nói tha thiết van xin tên cai lệ mà vẫn không nhận được sự thương xót, ngược lại, tên cai lệ ấy còn có ý định xông đến đánh anh Dậu, chị đã cố gắng nài nỉ “Cháu van ông, nhà cháu mới tỉnh được một lúc, ông tha cho”. Nhưng đáp lại chị chỉ là những cái “bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi sấn đến để trói anh Dậu”. Người đàn bà ấy dường như đã khá bất bình, rồi chị cự lại bằng những lý lẽ sắc bén “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Với sự thay đổi cách xưng hô từ “ông – cháu” sang “ông – tôi” chị Dậu đã thay đổi cả vị thế của mình, vươn lên và đứng ngang hàng với đối thủ. Không còn sự nhún nhường, khép nép hay van xin, cũng không còn tự nhận thức bản thân mình ở vị thế thấp hèn, nhỏ bé, chị đã tự mình đứng lên đối diện với bọn độc ác và tàn bạo kia. 

Tên cai lệ vẫn đáp lại lời chị bằng một cái tát, sau đó hắn tiếp tục nhảy vào cạnh anh Dậu. Lúc này, cơn tức giận của chị đã lên đến đỉnh điểm. Chị vụt đứng dậy với sự căm giận ngùn ngụt, nghiến hai hàm răng lại và đe dọa chúng “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Không còn cách xưng hô như trước, giờ khắc này chị đã đổi thành “bà – mày” với đầy sự thách thức. Đây là một cách xưng hô đanh đá của phụ nữ bình dân ngày xưa, chính điều này cũng đã thể hiện sự khinh bỉ cao độ mà chị dành cho bọn bất nhân kia. Chị quyết định đứng trên tư thế sẵn sàng đè bẹp đối phương, quyết không đấu lý nữa mà sử dụng đến phương pháp đấu lực với chúng. Chị túm lấy cổ áo của hắn, rồi ấn dúi đầu ra cửa. Tên người nhà lí trưởng cũng chẳng thể thoát, hắn bị chị túm tóc rồi lẳng cho một cái ngã nhào ra trước thềm. 

Từ những hình ảnh trên, tính cách nhân vật chị Dậu đã được bộc lộ một cách rõ nét. Chị là một người mộc mạc với đầy lòng vị tha, hiền dịu, khiêm nhường, luôn biết nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng chị không phải là một người yếu đuối mà vẫn có một sức sống mạnh mẽ cùng một tinh thần phản kháng tiềm tàng. Khi bị đẩy tới đường cùng, chị sẵn sàng vùng dậy để chống trả quyết liệt. Chị chính là nhân vật đại diện cho tầng lớp nhân dân cơ cực đáng thương của Việt Nam trong thời kỳ này. Đồng thời, hình ảnh của nhân vật cai lệ cũng được tác giả khắc họa vô cùng sống động dẫu chỉ qua một đoạn văn ngắn. Nếu như chị Dậu đại diện cho tầng lớp nhân dân khốn khổ, thì nhân vật này là hình ảnh điển hình cho tầng lớp tay sai thống trị và là một trong những hiện thân sinh động của trật tự thực dân phong kiến đương thời.

Nguyễn Tuân đã nói rằng, Ngô Tất Tố, với Tắt Đèn đã “xúi người nông dân nổi loạn”. Mặc dù thời điểm ấy rất, nhà văn chưa nhận thức được chân lý cách mạng nên chưa tìm ra được con đường đấu tranh đúng đắn khi quần chúng nhân dân bị áp bức. Nhưng bằng cảm quan hiện thực vô cùng mạnh mẽ, nhà văn đã cảm nhận được xu thế “Tức nước vỡ bờ” cùng với sức mạnh vô cùng to lớn của sự vỡ bờ khi bị áp bức đến đường cùng đó. Chính vì thế, phân cảnh này đã dự báo một cơn bão táp quần chúng nhân dân nổi loạn sau này.

Đó là cách soạn văn Tức nước vỡ bờ chi tiết mà các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 8

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *