Văn mẫu Sự Tích Hồ Gươm: Kể lại truyền thuyết Sự Tích Hồ Gươm bằng lời của em

Văn mẫu Sự Tích Hồ Gươm: Kể lại truyền thuyết Sự Tích Hồ Gươm bằng lời của em

Hãy cùng Vui học Online tham khảo bài văn mẫu Sự tích Hồ Gươm được chia sẻ trong bài viết dưới đây để có thể làm bài tốt hơn nhé!

Văn mẫu Sự tích Hồ Gươm

Đề: Kể lại truyền thuyết Sự Tích Hồ Gươm bằng lời của em 

Bài làm:

Vết xe thời gian cứ không ngừng lăn bánh để rồi lưu lại những dấu ấn xưa cũ chằng chịt, in đậm trên từng nét đẹp cổ kính của thủ đô ngàn năm văn hiến. Dẫu qua bao thăng trầm, Hà Nội của chúng ta vẫn giữ mãi những sắc màu riêng của mình như thế. Để rồi mỗi một địa danh là một nơi bước chân lịch sử hào hùng vang bóng mãi một thời đi qua. Mỗi khi nhắc về Hà Nội, người ta vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện về người anh hùng dân tộc Lê Lợi trả gươm cho rùa thần mỗi khi nhắc về Hồ Gươm.

Vào thế kỷ XV, nước ta bị giặc Minh đặt ách đô hộ. Chúng đã gây ra biết bao nhiêu điều bạo ngược khiến nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, chịu muôn vàn khổ cực. Ai ai cũng đều căm hận chúng đến tận xương tủy. Lúc bấy giờ, một nghĩa quân ở vùng Lam Sơn đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng không lần nào đạt được kết quả tốt bởi những buổi đầu thế lực còn non yếu. Thấy tình thế nguy nan, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giúp dẹp tan lũ giặc.  

Hồi ấy ở Thanh Hóa có một chàng trai làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Đêm hôm nọ, chàng như thường lệ thả lưới đánh cá ở một bến vắng. Nhưng hôm ấy thay vì bắt được cá, chàng lại vớt được một thanh sắt. Sau ba lần vớt lưới cũng chỉ thu được thanh sắc ấy, chàng lấy làm lạ đưa lại cạnh mồi lửa xem thì mới nhận ra đó là một lưỡi gươm. Thấy vậy, chàng liền giữ nó bên mình.

Về sau, Lê Thận gia nhập đoàn quân Lam Sơn để cùng nghĩa quân chiến đấu dẹp tan loạn giặc. Trong một lần chủ tướng Lê Lợi ghé thăm nhà chàng, thanh sắt hôm ấy chàng câu được bỗng sáng rực lên hai chữ “Thuận Thiên” trong căn túp lều tối om. Dẫu lấy làm lạ, nhưng mọi người vẫn không nhận ra đó là báu vật. 

Sau đó không lâu, Lê Lợi trên đường rút lui khi bị giặc đuổi bỗng nhìn thấy ánh sáng lạ phát ra từ ngọn cây đa. Ông liền trèo lên đó và phát hiện một chiếc chuôi gươm nạm ngọc. Lại nhớ đến chuyện lưỡi gươm kì lạ của Lê Thận, ông liền cất giữ gươm đem về. Ba hôm sau, Lê Lợi gặp lại Lê Thận và mọi người thì mới kể lại sự tình đã xảy ra. Cả hai đem lưỡi gươm và chuôi gươm ra tra vào nhau thử thì thấy vừa như in. Lê Thận khi đó mới từ tốn kể lại sự việc bắt được lưỡi gươm từ ba lần đánh cá nơi bến sông vắng. Rồi dường như nhận thấy đây chính là ý trời phó thác, Lê Thận bỗng dâng gươm cho chủ tướng Lê Lợi và nguyện thề đem xương thịt của mình theo minh công, cùng gươm thần báo đền Tổ Quốc.

Từ sau sự kiện đó, nhuệ khí của đoàn quân Lam Sơn ngày một tăng. Quân đội ta đánh tới đâu hay tới đó, uy thế của nghĩa quân cứ thế vang xa đi khắp nơi. Thay vì trốn tránh như trước, họ đã chuyển sang thế chủ động, sẵn sàng đối mặt với quân thù bất cứ lúc nào. Cứ thế gươm thần mở đường cho nghĩa quân nhanh chóng quét sạch bọn giặc ngoại xâm, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi An Nam, trả lại cho dân chúng một cuộc sống thái bình, hạnh phúc.

Sau khi đánh đuổi được giặc Minh, Lê Lợi lên làm vua và dời đô về Thăng Long. Vào một dịp khi vua Lê Lợi đang cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng thì Long Quân đã sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Thuyền tiến ra đến giữa hồ, lưỡi gươm thần đeo bên người nhà vua bỗng nhiên động đậy. Từ trên mặt nước, một con Rùa Vàng nhô đầu lên cao, tiến về phía thuyền vua rồi nói “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nhà vua biết ý, liền nâng gươm lên hướng về phía Rùa Vàng. Rùa Vàng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước, để lại một vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh. 

Từ đó, hồ Tả Vọng mang một cái tên mới là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm. Tên hồ đã sống mãi cùng với lịch sử hào hùng của dân tộc, để rồi ta khắc ghi vào tâm trí hình ảnh một đoàn quân nhuệ khí sẵn sàng quên mình lao lên phía trước bọn giặc để bảo vệ nhân dân và Tổ quốc.

Đó là bài văn mẫu Sự Tích Hồ Gươm mà các bạn học sinh lớp 6 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *