Văn mẫu Cổng trường mở ra dành cho học sinh lớp 7

Văn mẫu Cổng trường mở ra dành cho học sinh lớp 7

Hãy cùng Vui học Online tham khảo ngay bài văn mẫu cổng trường mở ra dành cho học sinh lớp 7 để có thể làm bài tốt hơn, bạn nhé!

văn mẫu Cổng trường mở ra

Đề bài: Phân tích Cổng trường mở ra

Chúng ta khi đã trưởng thành vẫn thường luyến tiếc điều gì đó, để rồi một mình tìm lại bao kỉ niệm xưa cũ đã cất gọn trong ngăn kí ức. Nhìn dòng thời gian vội vã trôi đi, có bao giờ bạn tự mỉm cười vì chính bản thân những ngày thơ bé được mẹ dắt tay đến trường, và rồi bật khóc khi ngước nhìn cánh cổng trường đóng lại ngăn bóng mẹ nơi mãi xa? Những kỉ niệm ngày đầu khai trường sẽ chẳng thể nào phai trong tâm trí mỗi người, và “Cổng trường mở ra” sẽ khắc họa lại cảm xúc tuyệt vời đó qua giọng văn nhẹ nhàng đầy tinh tế của tác giả Lý Lan.

Cổng trường mở ra là một bài kí được trích từ báo Yêu trẻ của tác giả Lý Lan. Bài văn là nỗi lòng của người mẹ trong một đêm chuẩn bị cho con bước vào ngày khai trường đầu tiên trong đời. Tác phẩm này tuy không được xây dựng dựa trên cốt truyện hấp dẫn, nhưng nó lại gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi giọng văn nhẹ nhàng đầy tinh tế mang theo cả một bầu trời tâm sự của người mẹ. Theo dòng tâm tư đầy thổn thức ấy, người đọc như được sống dậy trong những ngày đầu chập chững đến trường, mà đằng sau cổng trường ấy, là cả một bầu trời tri thức rộng lớn được ẩn chứa trong thế giới diệu kì.

Hiện lên trong tâm trí người đọc ở đầu tác phẩm là hình ảnh một người mẹ chẳng thể nào chợp mắt trong đêm trước ngày đầu tiên khai trường của con. Người mẹ cứ thế nhìn ngắm khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên đang say ngủ của con, rồi thả hồn mình bay theo những suy nghĩ bất tận. Ấy thế mà, trái ngược với nỗi lo lắng, trằn trọc chẳng thể ngủ yên của người mẹ, đứa trẻ vẫn vô tư chìm vào giấc ngủ một cách dễ dàng “giấc ngủ đến với con dễ dàng như úng một li sữa, ăn một cái kẹo”.

Ngày mai chính là một ngày quan trọng đối với con. Đó là ngày đầu tiên con dự lễ khai trường, là ngày đầu tiên con đến với một môi trường mới với vô vàn kiến thức bổ ích cùng những câu chuyện tình người đóng khung trong một sân trường bé nhỏ. Có lẽ với một đứa trẻ, nó chưa thể hiểu hết được đó là bước ngoặt quan trọng đến thế nào, nên nó chỉ đắm chìm niềm vui sướng, sự hân hoan và lòng háo hức cho ngày mai. Còn người mẹ thì ngược lại, bà chẳng thể ngủ yên, hết nhớ về hành động trong ngày của con, lại đưa suy nghĩ về lại với những ngày ấu thơ. Đó là những ngày tháng tươi đẹp, là một kỉ niệm khắc sâu trong tâm trí mà đến tận bây giờ, nó vẫn luôn vẹn nguyên, bồi hồi trong lồng ngực.

Người mẹ cứ dặn lòng mình phải ngủ, bởi vì mọi thứ cho ngày mai đều đã được chuẩn bị tươm tất cả rồi. Thế nhưng, “cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng”. Bà nhớ lại ấn tượng đầu tiên của chính bản thân mình ngày khai trường, bà nhớ “cái sự nôn nao, hồi hộp” khi được bà ngoại dắt tay đi học, và cả những cảm xúc lo sợ, hốt hoảng khi cánh cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cổng như đứng bên ngoài thế thới mà mẹ vừa bước vào. Có lẽ, hơn ai hết, người mẹ cũng từng trải qua những cảm xúc đặc biệt và thấu hiểu cái ấn tượng khắc sâu mãi mãi trong lòng một con người về ngày đầu khai trường ấy, nên bà muốn “nhẹ nhàng, cẩn trọng và tự nhiên” ghi vào lòng con. Để rồi, một ngày nào đó khi con nhớ lại, lòng con sẽ lại rạo rực những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến…

Chỉ bằng một đoạn văn ngắn được thể hiện bằng giọng văn nhẹ nhàng mà tinh tế, người mẹ đã làm sống dậy trong lòng người đọc những cung bậc cảm xúc khó tả về ngày đầu tiên khai trường. Ai ai trong chúng ta cũng đều từng trải qua khoảnh khắc ấy, đó là những cảm xúc trong sáng đầy đẹp đẽ của tuổi học trò mà bạn cần trân trọng và mang nó làm thành hành trang bước vào đời.

Từ những cảm xúc đẹp đẽ ấy, người mẹ lại suy nghĩ về vai trò của nền giáo dục đối với cuộc đời mỗi con người. Hình ảnh ngày khai trường ở Nhật được bà nhắc đến như một sự nhấn mạnh về vai trò của giáo dục đối với những thế hệ tương lai của đất nước. Đặc biệt, câu nói “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người đọc. Nếu như trong các câu chuyện cổ tích thần kỳ, thế giới kì diệu là một thế giới vô cùng hấp dẫn với những nhân vật đáng yêu có phép lạ, thì đằng sau cánh cổng trường kia, thế giới kì diệu ấy sẽ là một thế giới ngập tràn tri thức và tình yêu thương con người. Và trong thế giới đó, người thầy, người cô chính là người lái đò thầm lặng sẽ đưa học sinh đến với bến bờ tri thức của nhân loại. Đồng thời, đó còn là thế giới của tâm hồn, tình cảm, là thế giới của tình thầy trò bao la, tình bạn thắm thiết vĩnh hằng.

Có lẽ, việc sử dụng lời văn cùng cách xưng hô khiến người đọc dễ lầm tưởng rằng người mẹ đang nói chuyện tâm sự cùng con. Tuy nhiên, thực chất là người mẹ không trực tiếp nói chuyện với con hay với một ai cả. Bà chỉ đang nhìn con ngủ, trông như đang tâm sự cùng con, nhưng lại đang nói với chính mình. Người mẹ cứ thể chìm vào những suy nghĩ riêng và trở về lại với kỉ niệm của bản thân thuở đầu khai trường. Cách viết này có tác dụng làm nổi bật tâm trạng của người mẹ, để rồi khắc họa những tâm tư, tình cảm và bộc lộ những điều từ sâu thẳm tâm can khó có thể thổ lộ bằng lời.

Cổng trường mở ra với giọng văn nhẹ nhàng đầy sâu lắng đã đưa người đọc về với những kỉ niệm cùng vô vàn cung bậc cảm xúc đặc biệt ngày đầu tiên khai trường trong cuộc đời mỗi con người. Từ đó, tác phẩm đã thể hiện tấm lòng yêu thương con sâu sắc của người mẹ, đồng thời nêu rõ sự quan trọng của giáo dục đối với các thế hệ tương lai của đất nước mai này.

Đó là bài văn mẫu Cổng trường mở ra mà các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 7

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *