Tóm tắt và giải hóa lớp 8 bài 21: Tính theo công thức hóa học

Tóm tắt và giải hóa 8 bài 21: Tính theo công thức hóa học

Dưới đây là bài tóm tắt và giải hóa lớp 8 bài 21 mà bạn có thể tham khảo để học hóa tốt hơn!

Hoa 8 bai 21

1. Tóm tắt hóa học lớp 8 bài 21:

Các bước tiến hành:

1) Biết công thức hóa học, tìm thành phần các nguyên tố:

– Tìm khối lượng mol của hợp chất.

– Tìm số mol nguyên tử của mỗi nguyên tố trong 1 mol hợp chất

⇒ Tìm thành phần theo khối lượng của mỗi nguyên tố.

2) Biết thành phần các nguyên tố, tìm công thức hóa học :

Tìm số mol nguyên tử của mỗi nguyên tố trong 1 mol hợp chất → lập công thức hóa học của hợp chất.

2. Hướng dẫn giải bài tập Hóa học 8 bài 21:

Bài 1 trang 71

Tìm thành phần phần trăm (theo khối lượng) các nguyên tố hóa học có trong những hợp chất sau:

a) CO và CO2;                b) Fe3O4 và Fe2O3;               c) SO2 và SO3.

Bài giải:

a) Hợp chất CO có MCO = 12 + 16 = 28 g/mol

%mC = (MC / MCO) x 100% = (12 / 28) x 100% = 42,8%

%mO = 100% – 42,8% = 57,2%

Hợp chất CO2 có MCO2 = 12 + 16.2 = 44 g/mol

%mC = (MC / MCO2) x 100% = (12 / 44) x 100% = 27,3%

%mO = 100% – 27,3% = 72,7%

b) Hợp chất Fe3O4 : MFe3O4 = 3.56 + 4.16 = 232 g/mol

%mFe = (MFe / MFe3O4) x 100% = (56.3 / 232) x 100% = 72,4%

%mO = 100% – 72,4% = 27,6%

Hợp chất Fe2O3: MFe2O3 = 2.56 + 3.16 = 160 g/mol

%mFe = (MFe / MFe2O3) x 100% = (56.2 / 160) x 100% = 70%

%mO = 100% – 70% = 30%

c) Hợp chất SO2 : MSO2 = 32 + 2.16 = 64 g/mol

%mS = (MS / MSO2) x 100% = (32 / 64) x 100% = 50%

%mO = 100% – 50% = 50%

Hợp chất SO3 : MSO3 = 32 + 16.3 = 80 g/mol

%mS = (MS / MSO3) x 100% = (32 / 80) x 100% = 40%

%mO = 100% – 40% = 60%

Bài 2 trang 71

Hãy tìm công thức hóa học của những hợp chất có thành phần các nguyên tố như sau :

a) Hợp chất A có khối lượng mol phân tử là 58,5 g/mol, thành phần các nguyên tố theo khối lượng : 60,68% Cl và còn lại là Na.

b) Hợp chất B có khối lượng mol phân tử là 106 g/mol, thành phần các nguyên tố theo khối lượng : 43,4% Na ; 11,3% C ; 45,3% O.

Bài giải:

a) Công thức hóa học là :

Ta có: %Cl = 60,68%

mCl = 58,5 x 60,68% = (58,5 x 60,68) / 100 =  35,5 g

mNa = 58,5 – 35,5 = 23 g

Số mol nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong 1 mol hợp chất là:

nCl = mCl / MCl = 35,5 / 35,5 = 1 mol

nNa = mNa / MNa = 23 / 23 = 1 mol

Vậy trong 1 phân tử hợp chất A có: 1 nguyên tử Na, 1 nguyên tử Cl.

⇒ Công thức hóa học của hợp chất A là: NaCl

b) Công thức hóa học  :

Khối lượng của mỗi nguyên tố trong 1 mol hợp chất:

mNa = 106 x 43,4% = (106 x 43,4) / 100 =  46 g

mC = 106 x 11,3% = (106 x 11,3) / 100 =  12 g

mO = 106 – 46 – 12 = 48 g

Số mol nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong 1 mol hợp chất là:

nNa = 46 / 23 = 2 mol

nC = 12 / 12 = 1 mol

nO = 48 / 16 = 3 mol

Vậy trong 1 phân tử hợp chất B có: 2 nguyên tử Na, 1 nguyên tử C, 3 nguyên tử O.

⇒ Công thức hóa học của hợp chất B là: Na2CO3

Bài 3 trang 71

Công thức hóa học của đường là C12H22O11.

a) Có bao nhiêu mol nguyên tử C, H, O trong 1,5 mol đường ?

b) Tính khối lượng mol phân tử của đường.

c) Trong 1 mol đường có bao nhiêu gam mỗi nguyên tố C, H, O ?

Bài giải:

a) Số mol nguyên tử của các nguyên tố trong 1,5 mol đường là:

nC = 12 x 1,5 = 18 mol

nH = 22 x 1,5 = 33 mol

nO = 11 x 1,5 = 16,5 mol

b) Khối lượng mol đường:

MC12H22O11 =12.MC + 22.MH + 11.MO = 12×12 + 1×22 +16×11= 342 g/mol.

c) Trong 1 mol phân tử C12H22O11 có khối lượng các nguyên tố là:

mC = 12 x 12 = 144 g

mH = 1 x 22 = 22 g

mO = 16 x 11 = 176 g

Bài 4 trang 71

Một loại đồng oxit màu đen có khối lượng mol phân tử là 80 g/mol. Oxit này có thành phần theo khối lượng là : 80% Cu và 20% O. Hãy tìm công thức hóa học của loại đồng oxit nói trên.

Bài giải:

Khối lượng của mỗi nguyên tố trong 1 mol hợp chất là:

mCu = 80 x 80% = (80 x 80) / 100 =  64 g

mO = 80 – 64 = 16 g

Số mol nguyên tử của mỗi nguyên tố có trong 1 mol hợp chất là:

nCu = 64 / 64 = 1 mol

nO = 16 / 16 = 1 mol

Vậy trong 1 phân tử hợp chất có 1 nguyên tử Cu và 1 nguyên tử O.

⇒ Công thức hóa học của đồng oxit màu đen là: CuO

Bài 5 trang 71

Hãy tìm công thức hóa học của khí A. Biết rằng :

–   Khí A nặng hơn khí hiđro là 17 lần.

–   Thành phần theo khối lượng của khí A là : 5,88% H và 94,12% S.

Bài giải:

Khối lượng mol của khí A : dA/H2 = 17 ⇒ MA = 17 x 2 = 34 g

Khối lượng mỗi nguyên tố có trong 1 mol khí A :

mH = 34 x 5,88% = (34 x 5,88) / 100 = 2 g

mS = 32 – 2 = 32 g

Số mol nguyên tử mỗi nguyên tố trong 1 mol khí A :

nH = 2 / 1 = 2 mol

nS = 32 / 32 = 1 mol

Vậy trong 1 mol phân tử chất A có 2 nguyên tử H và 1 nguyên tử S.

⇒ Công thức hóa học của khí A là H2S

3. Hướng dẫn giải bài tập Sách bài tập Hóa học 8 bài 21:

Bài 21.1 trang 28

Đốt cháy hoàn toàn 0,24 g magie (Mg) trong không khí, người ta thu được 0,40 g magie oxit. Em hãy tìm công thức hoá học đơn giản của magie oxit.

Bài giải:

Số mol nguyên tử Mg :

nMg = mMg / MMg = 0,24 / 24 = 0,01 mol

Khối lượng nguyên tử oxi là:

mO = mMgO – mMg = 0,4 – 0,24 = 0,16 g

Số mol nguyên tử O :

nO = m/ M= 0,16 / 16 = 0,01 mol

Vây 0,01 mol nguyên tử Mg kết hợp với 0,01 mol nguyên tử O.

⇒ 1 nguyên tử Mg kết hợp với 1 nguyên tử O.

⇒ Công thức hoá học đơn giản của magie oxit là MgO.

Bài 21.2 trang 28

Biết 4 g thuỷ ngân (Hg) kết hợp với clo tạo ra 5,42 g thuỷ ngân clorua. Em hãy cho biết công thức hoá học đơn giản của thuỷ ngân clorua. Cho biết NTK của Hg = 200.

Bài giải:

Số mol nguyên tử Hg tham gia phản ứng :

nHg = mHg / MHg = 4 / 200 = 0,02 mol

Khối lượng Cl phản ứng với Hg là:

mCl = mHgCl – mHg = 5,42 – 4 = 1,42 g

Số mol nguyên tử Cl là:

 nCl = mCl / MCl = 1,42 /35,5 = 0,04 mol

Vậy 0,02 mol nguyên tử Hg kết hợp với 0,04 mol nguyên tử Cl.

⇒ 1 mol nguyên tử Hg kết hợp với 2 mol nguyên tử Cl.

⇒ Công thức của thủy ngân clorua: HgCl2.

Bài 21.3 trang 28

Một loại oxit sắt có thành phần là : 7 phần khối lượng sắt kết hợp với 3 phần khối lượng oxi. Em hãy cho biết:

a) Công thức phân tử của oxit sắt, biết công thức phân tử cũng chính là công thức đơn giản.

b) Khối lượng mol phân tử của oxit sắt tìm được ở trên.

Bài giải:

a) Giả sử khối lượng oxit là 10 g ⇒ mFe = 7 g ; mO = 3 g

Số mol của các nguyên tử là:

nFe = mFe / MFe = 7 / 56 = 0,125 mol

nO = mO / MO = 3 / 16 = 0,1875 mol

Vậy 0,125 mol nguyên tử Fe kết hợp với 0,1875 mol nguyên tử O.

⇒ 1 mol nguyên tử Fe kết hợp với 1,5 mol nguyên tử O. Mà số nguyên tử luôn là số nguyên → 2 nguyên tử Fe kết hợp với 3 nguyên tử O.

⇒ Công thức hóa học đơn giản của oxit sắt là: Fe2O3.

b) Khối lượng mol của Fe2O3 là : 56 x 2 + 16 x 3 = 160 (g/mol)

Bài 21.4 trang 28

Một hợp chất khí có thành phần phần trăm theo khối lượng là 82,35% N và 17,65% H. Em hãy cho biết:

a) Công thức hoá học của hợp chất. Biết hợp chất này có tỉ khối đối với khí hiđro là 8,5.

b) Số mol nguyên tử của các nguyên tố có trong 0,5 mol hợp chất.

Bài giải:

a) Công thức hóa học của hợp chất:

Khối lượng mol của hợp chất là : Mhc = 8,5 x 2 = 17 g

Khối lượng của nito trong 1 mol hợp chất:

mN = 17 x 82,35% = (17 x 82,35) / 100 ≈ 14 g

⇒ nN = mN / MN = 14 / 14 = 1 mol

Khối lượng của hiđro trong 1 mol hợp chất:

mH = 17 x 17,65% = (17 x 17,65) / 100 ≈ 3 g

⇒ nH = mH / MH = 3 / 1 = 3 mol

Vậy trong hợp chất có 1 mol nguyên tử N và 3 mol nguyên tử H.

⇒ Công thức hóa học đơn giản của hợp chất là NH3.

b) Trong 0,5 mol NH3 có:

0,5 mol nguyên tử N

0,5 x 3=1,5 mol nguyên tử H

Bài 21.5 trang 28

Phân đạm urê có công thức hoá học là CO(NH2)2 . Hãy xác định:

a) Khối lượng mol phân tử của urê.

b) Thành phần phần trăm (theo khối lượng) các nguyên tố trong phân đạm urê.

c) Trong 2 mol phân tử urê có bao nhiêu mol nguyên tử của mỗi nguyên tố.

Bài giải:

a) Khối lượng mol phân tử của urê: MCO(NH2)2 = 12 + 16 + 2x(14 + 2×1) = 60 g

b) Thành phần % các nguyên tố trong urê:

%C = (MC x 100%) / MCO(NH2)2 = (12 x 100%) / 60 = 20%

%O = (MO x 100%) / MCO(NH2)2 = (16 x 100%) / 60 ≈ 26,7%

%N = (MN x 100%) / MCO(NH2)2 = (14 x 100%) / 60 ≈ 46,7%

%H = 100% – (%C + %O + %N) = 100% – (20% + 26,7% + 46,7%) = 6,6%

c) Trong 2 mol phân tử CO(NH2)2 có:

Nguyên tố C: 2 x 1 = 2 mol nguyên tử C

Nguyên tố O: 2 x 1 = 2 mol nguyên tử O

Nguyên tố N: 2 x 2 = 4 mol nguyên tử N

Nguyên tố H: 2 x 4 = 8 mol nguyên tử H

Bài 21.6 trang 28

Có những lượng chất sau :

32 g Fe2O3 ;           0,125 mol PbO;           28 g CuO.

Hãy cho biết:

a) Khối lượng của mỗi kim loại có trong những lượng chất đã cho.

b) Thành phần phần trăm (theo khối lượng) của mỗi nguyên tố có trong mỗi hợp chất trên.

Bài giải:

a) Khối lượng của mỗi kim loại:

  • 32 g Fe2O3 có số mol phân tử là : nFe2O3 = mFe2O3 / MFe2O3 = 32 / 160 = 0,2 mol

Trong 1 mol Fe2O3 có 2 mol nguyên tử Fe → 0,2 mol Fe2O3 có: 0,2 x 2 = 0,4 (mol) nguyên tử Fe.

Khối lượng Fe là: 56 x 0,4 = 22,4 g

  • Trong 0,125 mol phân tử PbO có 0,125 mol nguyên tử Pb.

Vậy khối lượng Pb là: 0,125 x 207 = 25,875 g

  • 28 g CuO có số mol phân tử là : nCuO = mCuO / MCuO = 28 / 80 = 0,35 mol

Trong 0,35 mol phân tử CuO có 0,35 mol nguyên tử Cu.

Khối lượng của nguyên tử Cu: MCu = nCu x MCu = 0,35 x 6 = 22,4 g

b) Thành phần phần trăm (theo khối lượng) của mỗi nguyên tố:

SBT hoa 8 bai 21.7.b

Đáp số :

Fe2O3 có : 70% Fe và 30% O.

PbO có : 92,8% Pb và 7,2% O.

CuO có : 80% Cu và 20% O.

Bài 21.7 trang 28

Đốt nóng hỗn hợp bột magie và lưu huỳnh, thu được hợp chất là magie sunfua. Biết 2 nguyên tố kết hợp với nhau theo tỉ lệ khối lượng là 3 phần magie với 4 phần lưu huỳnh.

a) Tìm công thức hoá học đơn giản của magie sunfua

b) Trộn 8 g magie với 8 g lưu huỳnh rồi đốt nóng. Khối lượng các chất sau phản ứng là

A. 7 g magie sunfua.                      B.7 g magie sunfua và 8 g lưu huỳnh

C. 16 g magie sunfua.                    D. 14 g magie sunfua và 2 g magie.

Bài giải:

Giả sử hợp chất có khối lượng là 7 g → mMg = 3 g ; mS = 4 g

a) Công thức hoá học đơn giản của magie sunfua :

Số mol Mg kết hợp với lưu huỳnh : nMg = mMg / MMg = 3 / 24 = 0,125 mol

Số mol S kết hợp với magie : nS = mS / MS = 4 / 32 = 0,125 mol

Vậy trong hợp chất: 0,125 mol nguyên tử Mg và 0,125 mol nguyên tử S.

→ 1 mol nguyên tử Mg kết hợp với 1 mol nguyên tử S.

công thức hóa học đơn giản của magie sunfua: MgS.

b)

Theo đề bài: 3g Mg kết hợp vừa đủ với 4g S. Hoặc 6g Mg kết hợp vừa đủ với 8g S.

Nếu trộn 8g Mg với 8g S thì sẽ sinh ra 6 + 8 = 14g MgS và còn dư 8 – 6 = 2g Mg.

⇒Chọn đáp án D.

 

Đây là nội dung tóm tắt và giải bài tập Chương 3 bài 21: Tính theo công thức hóa học của chương trình hóa học lớp 8 mà các bạn có thể tham khảo. Mời các bạn cùng tham khảo các bài viết tương tự trong chuyên mục : Hóa học lớp 8

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *