Soạn văn Tuyên ngôn độc lập – Phần một: Tác giả dành cho lớp 12

Soạn văn Tuyên ngôn độc lập – Phần một: Tác giả dành cho lớp 12

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Tuyên ngôn độc lập – Phần một: Tác giả dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

Soạn văn Tuyên ngôn độc lập - Phần một: Tác giả

Câu 1: Nêu những nét chính về quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Quan điểm đó đã giúp anh (chị) hiểu sâu sắc thêm câu thơ của Người như thế nào?

Trả lời:

Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng, nhà thơ cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận. Quan điểm này đã được thể hiện rõ nét qua hai câu thơ: “Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Về sau, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Người lại khẳng định người nghệ sĩ chính là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Tính chân thật là thước đo giá trị của văn chương, nghệ thuật. Người căn dặn nhà văn phải “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực phong phú của đời sống”, phải “chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và “đề cao sự sáng tạo”. 

Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm. Người luôn đặt câu hỏi “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, rồi mới quyết định “Viết cái gì?” và “Viết thế nào?”. Người còn linh hoạt vận dụng phương châm đó theo nhiều cách vào mỗi trường hợp khác nhau. 

Những phương châm sáng tác trên của Hồ Chí Minh đã giải thích lý do vì sao bên cạnh những bài văn, bài thơ lời lẽ dễ hiểu, nôm na, giản dị cũng không thiết những tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao cùng phong cách độc đáo.

Câu 2: Hãy nêu những nét khái quát về di sản văn học của Hồ Chí Minh.

Trả lời:

Văn chính luận: 

Phần lớn tâm huyết của Hồ Chí Minh đã dành cho thể loại văn chính luận. Điều này đến từ khát vọng giải phóng dân tộc một cách mãnh liệt. Những tác phẩm thuộc thể loại này được viết với mục đích đấu tranh chính trị, tấn công trực diện kẻ thù, thức tỉnh và giác ngộ quần chúng. Không chỉ thế, nó còn thể hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta.

Trong những thập niên đầu thế kỉ 20, Người thường xuyên xuất hiện trên báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền với những bài báo lên án tội ác của thực dân và kêu gọi những ai đang bị áp bức liên hiệp lại cùng đoàn kết đấu tranh.

Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966). 

Những tác phẩm này được viết trong giờ phút đặc biệt của dân tộc, văn phong vừa hào sảng vừa tha thiết, thể hiện tấm lòng yêu, ghét nồng nàn được biểu đạt bằng lời văn chặt chẽ, súc tích.

Truyện và kí

Truyện và kí là những truyện được viết bằng tiếng Pháp, đăng báo ở Pa-ri. 

Những tác phẩm được viết với mục đích tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của thực dân và bọn phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa. Đồng thời, đề cao tấm gương yêu nước và cách mạng.

Các tác phẩm được viết với bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động, sắc sảo. Từ đó, có thể khẳng định Người là một cây bút văn xuôi tài năng với trí tưởng tượng phong phú, văn hóa sâu rộng, trí tuệ và trái tim nhiệt tình yêu nước, cách mạng.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Pari (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), con người biết mùi hun khói (1922), Đồng tâm nhất trí (1922), Vi hành (1923), Nhật kí chìm tàu (1931), Vừa đi vừa kể chuyện (1963)

Thơ ca:

Thể hiện chất nghệ sĩ vô cùng tài hoa, nghị lực cực kỳ phi thường và nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh – một người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh thử thách nặng nề của chốn lao tù.

Tâm hồn luôn khát khao tự do, hướng về Tổ quốc, vừa nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, lại vừa dễ động lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của con người. Đặc biệt, người có cái nhìn sắc sảo có thể nhìn thấy mọi nghịch cảnh của chế độ xã hội thối nát.

Tác phẩm tiêu biểu: 250 bài thơ, in trong ba tập thơ: Nhật kí trong tù, Thơ Hồ Chí Minh, Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh.

Câu 3: Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh vô cùng độc đáo và đa dạng:

Bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường văn hóa và hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng cùng cá tính của riêng Người. Việc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc và nghệ thuật phương Tây hiện đại đã góp phần hình thành phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Hình thành từ quan điểm của Người về sáng tác văn học. Những sáng tác của Người luôn đa dạng, nhiều sắc thái trong từng thời kỳ với từng hoàn cảnh, tư tưởng, quan điểm khác biệt. 

Mỗi thể loại văn học, Hồ Chí Minh đều tạo nên cho mình những nét phong cách riêng vô cùng độc đáo và hấp dẫn:

Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, với tư duy sắc sảo, lập luận đanh thép, chặt chẽ, giàu tính luận chiến, tính thuyết phục và đa dạng về bút pháp.

Truyện và kí thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng vô cùng sắc bén, thâm thúy của phương Đông, lại pha lẫn chút hóm hỉnh, hài hước của phương Tây. Mỗi chuyện đều có trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo độc đáo về tình huống, sự kết hợp hài hòa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Thơ ca thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Những bài thơ tuyên truyền cách mạng thường có lời lẽ giản dị, mộc mạc, vừa dễ nhớ lại vừa có sức tác động vào tình cảm người đọc. Những bài thơ nghệ thuật lại có sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, giữa chất trữ tình và tính chiến đấu.

Đó là cách soạn văn Tuyên ngôn độc lập – Phần một: Tác giả mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 12 hoặc trong list bài soạn văn 12

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *