Soạn văn Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử

Soạn văn Soạn văn Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử 

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử lớp 10 dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

Tổng quan nền văn học Việt Nam

I. Một số ý chính cần nắm trong bài

1. Lịch sử văn học viết của Việt Nam được chia làm ba thời kì, bao gồm:

– Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX : có chủ trương lấy năm 1858 làm mốc chấm dứt thời kỳ này. Đây là thời điểm Pháp tấn công Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam. Sự kiện này đã tác động lớn đến văn học nước ta, cụ thể là thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chuyển từ chủ đề đạo lý sang yêu nước, nhưng về mặt thi pháp thì vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét => thời kì văn học trung đại kết thúc vào hết thế kỷ XIX

– Từ đầu thế kỉ XX đến CMT8 năm 1945: cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp biến Việt Nam thành một nước thực dân nửa phong kiến, các đô thị mang tính chất chủ nghĩa mọc lên và tư tưởng, văn hóa, văn học phương Tây đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học nước ta. Đó là điều lí giải cho hàng loạt những cách tân về tiểu thuyết, thơ, văn học sân khấu, thể kí… ra đời và đưa nền văn học bước sang thời kì hiện đại.

– Từ CMT8 năm 1945 đến hết thế kỉ XX: sau CMT8, văn học cách mạng trở thành dòng văn chính thống. Thời kì này được chia nhỏ thành:

+ Giai đoạn từ 1945 – 1975: văn học cách mạng phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh giải phóng dân tộc => nhiệm vụ của văn học là cổ vũ chiến đấu.

+ Giai đoạn sau 1975 đến hết thế kỉ XX: văn học bước vào một công cuộc đổi mới, toàn diện.

2. Con người Việt Nam qua văn học.

– Văn học là nhân học, đối tượng trung tâm mà văn học hướng đến là con người.

– Không có con người trừu tượng, chỉ có con người tồn tại trong bốn mối quan hệ cơ bản. Từ đó, chi phối các nội dung chính của văn học và ảnh hưởng đến việc xây dựng hình tượng văn học.

II. Hướng dẫn học bài:

Câu 1: Vẽ sơ đồ các bộ phận của văn học Việt Nam

Trả lời:

Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử

 

Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử

Câu 2: Trình bày quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam

Trả lời:

– Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Từ đó văn học Việt Nam đã trải qua ba thời kỳ:

+ Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại): hình thành, phát triển trong bối cảnh văn học vùng Đông Nam Á và giao lưu với văn hóa trong khu vực.

+ Từ đầu thế kỉ XX đến CMT8 năm 1945

+ Từ CMT8 năm 1945 đến hết thế kỉ XX

=> Đây là văn học hiện đại phát triển trong bối cảnh mở rộng giao lưu văn hóa, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn học của nhiều nước trên thế giới.

1. Văn học trung đại (từ thế kỷ X – hết thế kỷ XIX): viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

– Văn học chữ Hán: 

+ Tồn tại từ thế kỉ X và kết thúc ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỉ XX 

+ Đây là phương tiện để nhân dân ta tiếp nhận học thuyết của phương Đông và thi pháp văn học cổ – trung đại Trung Quốc. 

+ Tác phẩm tiêu biểu là Bình Ngô Đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn)

– Văn học chữ Nôm: 

+ Bắt đầu phát triển mạnh từ thế kỉ XV và đạt đỉnh cao ở cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. 

+ Văn học chữ Nôm là kết quả của lịch sử phát triển văn học dân tộc. Ngoài ra nó còn tiếp nhận ảnh hưởng của văn học dân gian toàn diện, sâu sắc hơn so với văn học chữ Hán. Sự phát triển của văn học chữ Nôm gắn liền với truyền thống lớn nhất của văn học trung đại, đó là lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực. 

+ Tác phẩm tiêu biểu là Truyện Kiều (Nguyễn Du), Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn).

2. Văn học hiện đại (văn học từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ XX): viết bằng chữ quốc ngữ, được chia làm hai giai đoạn, bao gồm:

– Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến CMT8 năm 1945: một mặt kế thừa tinh hoa văn học truyền thống, mặt khác tiếp thu tinh hoa văn học thế giới. 

+ Văn học hiện thực ghi lại không khí ngột ngạt của xã hội thực dân nửa phong kiến, dự báo cách mạng xã hội sắp diễn ra.

+ Văn học lãng mạn đề cao “cái tôi” cá nhân, đấu tranh cho hạnh phúc và quyền sống cá nhân.

– Giai đoạn từ 1945 đến cuối thế kỉ XX: 

+ Một nền văn học mới ra đời và phát triển dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

+ Văn học xã hội chủ nghĩa đã đi sâu vào phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới.

+ Gắn liền với đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng và sự nghiệp lao động chiến đấu của nhân dân ta.

+ Phản ánh sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những vấn đề mới được khai thác trong thời đại hội nhập quốc tế này.

– Một số đặc trưng: 

+ Tác giả: xuất hiện đội ngũ chuyên nghiệp, lấy sáng tác làm nghề nghiệp.

+ Đời sống văn học: nâng cao mối quan hệ người viết và người đọc, xuất hiện báo chí cùng kĩ thuật in ấn hiện đại…

+ Thể loại: nhiều thể loại mới thay thế thể loại cũ. 

+ Thi pháp: hệ thống thi pháp mới xuất hiện với lối viết hiện thực, đề cao cá tính, đề cao “cái tôi” cá nhân.

Câu 3: Dùng hiểu biết của mình để làm sáng tỏ nhận định: Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Trả lời:

– Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng:

– Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ với thiên nhiên:

+ Văn học Việt Nam phản ánh lại quá trình cha ông ta nhận thức, cải tạo và chinh phục thiên nhiên. Thiên nhiên trở thành một người bạn tâm tình, tri kỉ cùng bầu bạn với con người. Những tình cảm đó đã được thể hiện một cách rõ nét qua văn học dân gian, văn học trung đại và cả văn học hiện đại.

+ Thiên nhiên hiện lên trong thơ văn thật thân thiết và gần gũi với con người. Nó không chỉ tươi đẹp, thơ mộng, mà còn đa dạng và luôn thay đổi theo quan niệm thẩm mỹ riêng của từng thời đại. Mặt khác, thiên nhiên như thay con người bộc lộ tâm tư, tình cảm và tiếng lòng của thi sĩ.

– Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ với dân tộc:

+ Văn học yêu nước là một nội dung tiêu biểu và xuyên suốt trong nền văn học nước ta. Việt Nam luôn phải đấu tranh chống lại các thế lực thù địch để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, vì thế, dòng văn học này cũng gắn liền với công cuộc đó. 

+ Tình yêu nước, đặc biệt là trong văn học trung đại thể hiện chủ yếu qua ý thức sâu sắc về truyền thống văn hóa, truyền thống dựng nước và giữ nước.

– Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ với quan hệ xã hội:

+ Văn học Việt Nam thay người phụ nữ, trẻ em, nông dân bị áp bức, bóc lột cất lên tiếng nói tố cáo đầy mạnh mẽ cùng lòng cảm thông sâu sắc.

+ Thể hiện ước mơ về một xã hội dân chủ, một cuộc sống công bằng và tươi đẹp. Đặc biệt, nó thể hiện chủ nghĩa nhân đạo một cách rõ nét trong từng tác phẩm.

– Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ với ý thức về bản thân:

+ Văn học Việt Nam ghi lại quá trình đấu tranh để giữ gìn văn hóa và khẳng định đạo lý làm người của dân tộc.

+ Trong mỗi hoàn cảnh lịch sử, văn học sẽ đề cao mặt này hay mặt khác. Nhưng xu hướng chung của sự phát triển dân tộc là xây dựng đạo lý là người với những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người.

Đó là cách soạn văn Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử lớp 10 mà các bạn học sinh lớp 10 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 10 hoặc trong list bài soạn văn 10

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *