Soạn văn Sọ Dừa chi tiết dành cho học sinh lớp 6

Soạn văn Sọ Dừa chi tiết dành cho học sinh lớp 6

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Sọ Dừa chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Sọ Dừa

Soạn văn Sọ Dừa – Tóm tắt truyện 

Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở trong nhà một phú ông. Họ dù đã ngoài năm mươi nhưng vẫn chưa có con. Nhưng lạ thay, người vợ khi uống phải nước mưa đựng trong vỏ sọ dừa thì bỗng có mang. Sau khi chồng bà mất, bà sinh ra một đứa bé không có chân tay và tròn như một quả dừa. Vì thương con, bà vẫn nuôi và đặt tên nó là Sọ Dừa. Sọ Dừa lớn lên vẫn không khác lúc nhỏ, chỉ biết lăn lông lốc trong nhà.Thấy mẹ than phiền, Sọ Dừa liền giục mẹ đến hỏi phú ông cho cậu đi chăn bò. Nào ngờ cậu chăn bò rất giỏi làm cho phú ông vô cùng hài lòng. Trong nhà phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa, nhưng chỉ có cô Út là đối đãi tử tế với cậu. Trong một lần đưa cơm, cô út biết được Sọ Dừa không phải người phàm trần thì đem lòng yêu. Cuối mùa, Sọ Dừa giục mẹ đến hỏi cưới con gái phú ông nhưng chỉ có cô gái út là chịu lấy. Sọ Dừa sau khi giao đủ sính lễ liền tổ chức cỗ cưới thật linh đình và hóa thân thành một chàng trai khôi ngô tấn tuấn tú. Về sau, Sọ Dừa đỗ Trạng Nguyên khiến hai cô chị sinh lòng ghen ghét. Nhân lúc Trạng đi vắng, họ lừa đẩy cô em xuống nước. Cô bị một con cá kình nuốt chửng và dạt vào một hòn đảo. Nhờ trí thông minh và ứng xử nhanh nhẹn, cô đã sống sót cho đến ngày được quan trạng cứu thoát. Hai cô chị biết chuyện nên xấu hổ bỏ đi biệt xứ lúc nào không ai hay. 

Bố cục văn bản:

Văn bản gồm có ba phần

  • Phần 1: Từ đầu cho đến “đặt tên cho nó là Sọ Dừa”: Sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “phòng khi dùng đến:: Sọ Dừa cưới cô con gái út, trở về hình dáng khôi ngô và đỗ trạng nguyên.
  • Phần 3: Đoạn còn lại: Cô em út bị hãm hại và sự đoàn tụ của hai vợ chồng.

Đọc hiểu văn bản:

Câu 1: Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường? Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều gì và muốn chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội xưa?

Trả lời:

Sự ra đời của Sọ Dừa có rất nhiều điểm khác thường sau: 

+ Chi tiết bà mẹ mang thai Sọ Dừa vô cùng khác thường: trong một lần đi hái củi cho chủ, bà khát nước quá nên uống nước mưa bên trong cái sọ dừa rồi có mang.

+ Sọ Dừa ra đời với một hình dạng khác thường và cái tên của Sọ Dừa cũng gắn liền với vẻ ngoài dị dạng ấy: không có chân không có tay, tròn như một quả dừa.

+ Việc đi đứng sinh hoạt của Sọ Dừa cũng khác thường: Sọ Dừa cứ “lăn lông lốc trong nhà” “chẳng làm được việc gì”. 

Kể về sự ra đời của Sọ Dừa như vậy, nhân dân muốn thể hiện điều sau:

+ Sọ Dừa là một nhân vật mang lốt xấu xí: đây là một kiểu nhân vật phổ biến được xây dựng nhiều trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam và cả thế giới. 

+ Nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đến những người sống cuộc sống đau khổ và số phận thấp hèn, Sọ Dừa thấp hèn từ vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng cho đến việc luôn bị coi là vô tích sự. Từ đó, câu chuyện đã gợi nên sự thương cảm đối với nhân vật. 

+ Ngoài ra, cách kể trên cũng mang ý nghĩa mở ra một tình huống khác lạ để tạo nên sự hấp dẫn và tiếp tục phát triển cốt truyện.

Câu 2: Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết nào? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật? 

Trả lời:

Sự tài giỏi của Sọ Dừa thể hiện qua những chi tiết:

+ Mặc dù có ngoại hình xấu xí, không có chân tay và chỉ biết lăn lông lốc, nhưng Sọ Dừa chăn bò rất giỏi.

+ Sọ Dừa có tài thổi sáo, chàng thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. 

+ Sọ Dừa tự biết khả năng của mình, chàng có thể chăn bò và hỏi cưới con gái của phú ông làm vợ mặc dù hoàn cảnh của bản thân không được tốt đẹp trong mắt người khác.

 + Sọ Dừa tự kiếm đủ sinh lễ theo yêu cầu nan giải của Phú Ông: một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm. 

+ Sọ Dừa thông minh khác người, có thể thi đỗ Trạng Nguyên và có tài dự đoán chính xác về việc vợ bị hại nên đã đưa cho vợ những vật dụng cần thiết trước khi chia tay.

Quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật:

+ Nhân vật Sọ Dừa có sự đối lập giữa vẻ bề ngoài và phẩm chất bên trong: bên ngoài dị dạng, vô dụng nhưng ẩn chứa trong cái lốt đó là một chàng trai khôi ngô với tài năng và phẩm chất hơn người.

+ Sự đối lập đó là sự khẳng định về con người bên trong và đề cao giá trị chân chính của con người: chúng ta không nên có một cái nhìn phiến diện về một ai đó hay một sự việc nào đó, vì đôi khi thứ chúng ta thấy chỉ là một cái lốt đang bao bọc sự thật khác.

+ Sự biến đổi kỳ diệu của Sọ Dừa đề cao tinh thần dân chủ và thể hiện ước mơ mãnh liệt về sự đổi đời của người lao động xưa: từ một cậu bé có vẻ ngoài dị dạng cùng thân phận thấp kém đã trở thành một chàng trai khôi ngô, tài giỏi, đỗ đạt Trạng Nguyên.

+ Sự trái ngược đó còn là yếu tố chi phối toàn bộ kết cấu tác phẩm và mở ra tình huống truyện, từ đó dẫn đến những ý nghĩa nhân sinh mà tác phẩm mang lại cho người đọc

Câu 3: Tại sao cô Út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa? Em có nhận xét gì về nhân vật cô Út?

Trả lời:

Cô Út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa vì: 

+ Cô Út là một người thật thà, tốt bụng, trong sáng và thiện lương. Khác với hai cô chị, cô vẫn đối xử tử tế với Sọ Dừa dù vẻ ngoài dị dạng và vô dụng. Chính vì tính thương người đó, cô đã có cơ hội nhìn thấy con người thật của Sọ Dừa.

+ Cô út nhận biết thực chất đẹp đẽ của Sọ Dừa, vì thế đem lòng yêu và luôn dành những món ngon vật lạ cho Sọ Dừa.

+ Cô Út lấy Sọ Dừa và trở thành bà trạng chính là phần thưởng mà cô được hưởng khi luôn hướng về cái thiện và tìm thấy vẻ đẹp giá trị bên trong con người khác.

Nhận xét về nhân vật cô Út:

+ Cô Út là người có tính tình hiền lành và hay thương người, luôn đối đãi tử tế với mọi người, kể cả người có thân phận thấp hèn. Là con gái phú ông nhưng cô cũng không hề phách lối, khinh người.

+ Thông minh, luôn biết tự tìm cách để thoát nạn một cách kịp thời, cụ thể là trong lần gặp nạn, cô đã tự cứu lấy bản thân mình và đoàn tụ cùng chồng.

+ Đây là nhân vật giàu tình yêu thương, thể hiện ước mơ của nhân dân ta về triết lý đã trở thành lẽ sống “ở hiền gặp lành”.

Câu 4: Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã được trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Qua kết cục này em thấy người lao động mơ ước điều gì?

Trả lời:

Kết cục khác nhau của các nhân vật cho em thấy những mơ ước của người lao động:

+ Mơ ước về sự đổi đời: Sọ Dừa từ thân phận thấp kém, xấu xí trở thành một người thông minh, tài giỏi và sống hạnh phúc. Đây cũng chính là ước mơ lớn nhất của người lao động trong xã hội xưa.

+ Mơ ước về sự công bằng: đây là ước mơ và niềm tin mà người lao động luôn hướng đến: người tài giỏi, đức độ sẽ được hưởng hạnh phúc, ở hiền sẽ gặp được điều lành, kẻ độc ác sẽ bị trừng phạt, thậm chí là bị loại ra khỏi cộng đồng.

Câu 5: Hãy nêu những ý nghĩa chính của truyện Sọ Dừa? 

Trả lời:

Ý nghĩa của truyện Sọ Dừa:

+ Đề cao giá trị của vẻ đẹp bên trong con người, đồng thời là một lời khuyên mà câu chuyện gửi đến bạn đọc: muốn đánh giá đúng nhất một con người, đừng chỉ xem xét từ cái nhìn phiến diện bên ngoài.Đây cũng chính là một đạo lý mang ý nghĩa nhân văn của câu chuyện 

+ Đề cao lòng nhân ái tình yêu thương đối với những con người bất hạnh: lòng nhân ái sẽ đem lại hạnh phúc kỳ diệu như hai nhân vật cô Út và Sọ Dừa trong truyện.

+ Đề cao sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan vượt qua mọi khó khăn. trở ngại của nhân dân lao động: chỉ cần còn sống, chúng ta vẫn còn hi vọng và có quyền mơ ước, tin vào chiến thắng cuối cùng. Lẽ phải và sự công bằng vẫn luôn hiện hữu, nó sẽ chiến thắng sự bất công và cái ác trong xã hội. 

Đó là cách soạn văn Sọ Dừa chi tiết mà các bạn học sinh lớp 6 có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 6 hoặc trong list bài soạn văn 6

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *