Soạn văn Khái quát văn học Việt Nam lớp 12 chi tiết

Soạn văn Khái quát văn học Việt Nam lớp 12 từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Khái quát văn học Việt Nam lớp 12 từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Khái quát văn học Việt Nam lớp 12

Câu 1: Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975.

Trả lời:

Những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975:

– Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ kéo dài lên đến 30 năm đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong đó có văn học nghệ thuật, nó mang những đặc điểm và tính chất riêng của một nền văn học được hình thành và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.

– Đảng cộng sản đã có những đường lối văn nghệ và góp phần tạo nên một nền văn học thống nhất trên khắp đất nước.

– Nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ còn khá nghèo và kém phát triển. Thời gian đó, nước ta bị hạn chế giao lưu với các nước bên ngoài và chỉ tiếp xúc, chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các nước xã hội chủ nghĩa.

Câu 2: Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 phát triển qua mấy chặng? Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng.

Trả lời:

Các chặng đường phát triển và thành tựu chủ yếu từng chặng:

Chặng 1: Từ năm 1945 – 1954:

– Từ 1945 – 1946: một số tác phẩm phản ánh niềm vui sướng khi đất nước giành được độc lập.

– Từ cuối 1946: văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc này, văn học vừa gắn bó với đời sống cách mạng và kháng chiến, vừa khám phá sức mạnh và những phẩm chất tốt đẹp của quần chúng nhân dân, lại vừa thể hiện rõ nét niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào một chiến thắng vang dội trong tương lai.

– Truyện ngắn và kí mở đầu cho văn xuôi chặng đường kháng chiến chống Pháp, bao gồm một số tác phẩm: Đôi mắt và Nhật kí Ở rừng (Nam Cao), Một lần tới thủ đô và Trận phố Ràng (Trần Đăng), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương, Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm)…

– Thơ ca: Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, Rằm tháng Giêng, Lên núi (Hồ Chí Minh), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Việt Bắc (Tố Hữu), Đồng chí (Chính Hữu),…

– Kịch ngắn: Bắc Sơn, Những người ở lại (Nguyễn Huy Tưởng)

– Lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học: Nhận đường, Mấy vấn đề về nghệ thuật (Nguyễn Đình Thi), Nói chuyện thơ ca kháng chiến (Hoài Thanh) …

Chặng 2: Từ năm 1955 – 1964

– Văn xuôi:

+ Mở rộng đề tài văn xuôi, bao quát hơn nhiều vấn đề, phạm vi của hiện thực đời sống: Sống mãi thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Trước giờ nổ súng (Lê Khâm).

+ Một số khai thác đề tài hiện thực đời sống trước Cách mạng tháng tám: Tranh tối tranh sáng (Nguyễn Công Hoan), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Mười năm (Tô Hoài)… 

+ Đề tài công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: Sông Đà (Nguyễn Tuân), Bốn năm sau (Nguyễn Huy Tưởng), Mùa lạc (Nguyễn Khải), Cái sân gạch (Đào Vũ)…

– Thơ ca phát triển mạnh mẽ: Gió lộng (Tố Hữu), Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên), Riêng chung (Xuân Diệu), Đất nở hoa (Huy Cận)…

– Kịch nói phát triển: Một Đảng viên (Học Phi), Ngọn lửa (Nguyễn Vũ), Chị Nhà và Nổi gió (Đào Hồng Cẩm)…

Chặng 3: Từ năm 1965 – 1975

– Từ 1965 – 1975, chủ đề bao trùm của văn học là đề cao tinh thần yêu nước, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng (viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ).

– Văn xuôi: Phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động, khắc họa hình ảnh con người Việt Nam kiên cường, bất khuất chống giặc. Truyện, kí và tiểu thuyết phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân: (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẫn và tôi (Phan Tứ), Cửu Sông và Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu, Vùng trời (Hữu Mai)…

– Thơ ca: có khuynh hướng mở rộng và đào sâu chất liệu hiện thực. Cùng với đó, tăng cường sự khái quát, chất suy tưởng và chính luận. Bao gồm các tác phẩm: Ra trận, Máu và Hoa (Tố Hữu), Hoa ngày thường – Chim báo bão và Những bào thơ đánh giặc (Chế Lan Viên), Đầu súng trăng treo (Chính Hữu), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), Hương cây – Bếp lửa (Lưu Quang Vũ và Bằng Việt)…

– Kịch: Nhiều vở kịch gây được tiếng vang: Quê hương Việt Nam, Thời tiết ngày mai (Xuân Trình), Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng Cẩm), Đôi mắt (Vũ Dũng Minh)…

Câu 3: Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến năm 1975?

Trả lời:

Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến năm 1975:

– Nền văn học nước ta giai đoạn này chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa và có sự gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước:

+ Nước ta phải gánh chịu sự tàn phá ác liệt từ Pháp và Mĩ kéo dài suốt 30 năm, điều đó đã khiến các nhà văn – chiến sĩ ý thức được sứ mệnh của văn học đối với vận mệnh dân tộc.

– Nền văn học đại chúng:

+ Nhân dân là đối tượng phản ánh, tiếp nhận và cũng chính là lực lượng sáng tác trong nền văn học Việt Nam lúc bấy giờ.

+ Nhân dân là người chi phối những hình thức nghệ thuật cùng quan điểm về thẩm mỹ trong nền văn học dân tộc giai đoạn 1945 – 1975.

– Đề tài chính của nền văn học 1945 – 1975: đề tài tổ quốc và đề tài xã hội chủ nghĩa

+ Đề tài tổ quốc: bảo vệ, xây dựng và giải phóng đất nước, lúc bấy giờ, người chiến sĩ chính là nhân vật trung tâm của văn học, được khai thác và phát triển mạnh mẽ trong văn học.

+ Đề tài xã hội chủ nghĩa: con người là nhân vật trung tâm thay vì thiên nhiên, đất nước hay những điều to lớn như trước kia. Con người cũng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, sự hòa hợp, những cái chung và cái riêng biệt.

– Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn:

+ Khuynh hướng sử thi: đề cập đến vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất dân tộc. Con người đại diện cho tinh hoa, khí phách, phẩm chất ý chí dân tộc thường là nhân vật chính.

+ Cảm hứng lãng mạn: cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và hướng đến lý tưởng. Đồng thời, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định phương diện lý tưởng của cuộc sống mới và con người mới, tin vào tưởng lai tươi sáng của dân tộc. 

Câu 4: Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa, hãy giải thích vì sao văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX phải đổi mới.

Trả lời:

Hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội:

– Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một thời kì mới – thời kì độc lập, tự do và thống nhất trong lịch sử dân tộc.

– Từ 1986, Đảng Cộng sản đề xướng và lãnh đạo giúp kinh tế nước ta ngày càng phát triển sang nền kinh tế thị trường. Từ đó, nước ta mới có điều kiện tiếp xúc với nhiều nước khác trên thế giới. 

– Văn học dịch, báo chí và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ.

=> Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, vì thế, thúc đẩy nền văn học cũng phải đổi mới phù hợp với nguyện vọng nhà văn, người đọc và quy luật phát triển khách quan của văn học.

Câu 5: Hãy nêu những thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.

Trả lời:

Những thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX:

– Thơ ca: có sự đổi mới với nhiều tác phẩm giá trị dù không đạt được sự lôi cuốn hấp dẫn vượt bậc. Một số tác phẩm tiêu biểu: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Trường ca sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi), Thư mùa đông (Hữu Thỉnh), Một chấm xanh (Phùng Khắc Bắc), Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều)…

– Văn xuôi có nhiều khởi sắc hơn so với thơ ca: đổi mới cách viết về chiến tranh, tiếp cận đời sống hiện thực, tiểu thuyết chống tiêu cực, truyện ngắn thế sự. Tác phẩm tiêu biểu bao gồm: Đất trắng (Nguyễn Trọng Oách), Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Đứng trước biển (Nguyễn Mạnh Tuấn), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (Lê Lựu)…

– Phóng sự xuất hiện, gắn bó và cập nhật hơn những vấn đề bức xúc của đời sống: Phóng sự của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Hoàng Hữu Các, Trần Khắc…

– Kịch nói phát triển khá mạnh mẽ: Hồn Trương ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ), Mùa hè ở biển (Xuân Trình)..

– Lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học có sự đổi mới, tiếp cận nhiều nguồn thông tin mới, hệ thống các khái niệm được vận dụng trong nghiên cứu. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã có ý thức tự giác trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận, chú ý giá trị nhân văn, chức năng thẩm mĩ và ý nghĩa nhân bản của văn học.

Đó là cách soạn văn Khái quát văn học Việt Nam lớp 12 từ Cách mạng tháng tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 12 hoặc trong list bài soạn văn 12

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *