Soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây chi tiết lớp 10

Soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây lớp 10 (Trích Đăm Săn – Sử thi Tây Nguyên)

Hãy cùng Vui học Online tham khảo cách soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây chi tiết dưới đây để chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách đầy đủ hơn nhé!

soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây

Phần I: Tóm tắt 

Khi Đăm Săn cùng nô lệ lên rẫy, Mtao Mxây đã phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Để cứu vợ mình, Đăm Săn đã khiêu chiến Mtao Mxây nhưng hắn lại sợ sệt không dám đồng ý. Đến khi chàng dọa sẽ đốt nhà, hắn mới ngần ngại, lo sợ đi xuống nhưng vẫn huênh hoang múa khiên. Vì lo sợ trước Đăm Săn, Mtao Mxây đã trốn chạy hết bãi đông sang bãi tây. Hắn liền bảo Hơ Nhị quăng cho mình miếng trầu nhưng đã bị Đăm Săn đỡ được và chàng tăng sức lực lên gấp bội. Sau đó, dù đã đâm trúng nhưng lại không thủng được áo của Mtao Mxây, Đăm Săn liền nhờ và được Trời giúp đỡ. Chàng nép chày tròn vào tai kẻ định, giành được chiến thắng rồi cắt đầu hắn ta đem bêu ngoài đường. Sau khi cứu được vợ và giết Mtao Mxây, Đăm Săn được tôi tớ của Mtao Mxây ngưỡng mộ và tình nguyện đi theo. Dân làng cả hai buôn đã cùng mở tiệc mừng chiến thắng vô cùng tưng bừng, vui vẻ.

Phần II: Bố cục:

Đoạn 1: Từ đầu đến “cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường” – Cảnh trận đánh nhau giữa hai tù trưởng.

Đoạn 2: Tiếp theo đến “rồi vào làng” – Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.

Đoạn 3: Đoạn còn lại – Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.

Phần III: Hướng dẫn soạn bài

Câu 1: Hãy tóm tắt diễn biến trận đấu để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng

Trả lời: 

Diễn biến trận đấu giữa hai tù trưởng được mô tả qua các chặng sau:

– Đăm Săn khiêu chiến và Mtao Mxây đáp lại: 

+ Ở chặng này, Đăm Săn có thái độ vô cùng quyết liệt khiến Mtao Mxây run sợ (sợ bị đâm lén, mặt mũi dữ tợn, trang bị đầy mình những vẫn do dự, ngần ngại, đắn đo…)

– Vào cuộc chiến: 

+ Hiệp một: Đăm Săn giữ thái độ bình tĩnh trước cảnh Mtao Mxây múa khiên, điều này chứng tỏ chàng là người dũng cảm và có bản lĩnh. Lúc này, dù kém cỏi nhưng Mtao Mxây vẫn nói năng huênh hoang, khiêu khích.

+ Hiệp hai: Đăm Săn múa khiên khiến Mtao Mxây hoảng sợ chạy trốn, hắn ta chém trượt Đăm Săn liền vội cầu cứu Hơ Nhị quăng cho miếng trầu. Nhưng Đăm Săn đã đớp được là sức mạnh của chàng tăng lên.

+ Hiệp ba: Đăm Săn múa và đuổi theo Mtao Mxây, nhưng dù đâm trúng thì áo của Mtao Mxây vẫn không thủng, chàng phải cầu cứu thần linh.

+ Hiệp bốn: được thần linh giúp đỡ, Đăm Săn đuổi theo và giết chết kẻ thù. 

– Từ đó, có thể nhận thấy Mtao Mxây là một kẻ hèn nhát, kém cỏi nhưng lại huênh hoang, còn Đăm Săn là một người dũng cảm, bản lĩnh và có tư thế của một người anh hùng.

Câu 2: Phân tích những câu nói và hành động của đông đảo dân làng đối với việc thắng thua của hai tù trưởng để chỉ ra thái độ và tình cảm của cộng đồng Ê-đê với mục đích của cuộc chiến nói chung, đối với người anh hùng sử thi nói riêng.

Trả lời:

– Cuộc đối thoại giữa Đăm Săn và dân làng cùng nô lệ của Mtao Mxây sau khi chàng kêu gọi mọi người đi theo mình:

+ Số lần đối đáp bao gồm ba nhịp hỏi – đáp: Đăm Săn gọi – hỏi ý kiến và mọi người hưởng ứng – đáp. Con số 3 theo quan niệm của dân gian biểu tượng cho số nhiều. Điều này cho thấy lòng mến phục, thái độ hưởng ứng mà mọi người dùng cho Đăm Săn, họ đều nhất trí coi chàng là anh hùng, là tù trưởng của họ.

+ Mỗi lần đối đáp đều khác nhau: lần đầu, Đăm Săn gõ vào một nhà, lần thứ hai, chàng gõ vào tất cả các nhà và lần thứ ba lại gõ vào mỗi nhà trong làng. Qua sự lặp lại có biến đổi, sự trung thành của mọi nô lệ đối với Đăm Săn ngày càng được khẳng định. Và khi kết thúc ba lần hỏi đáp, Đăm Săn đã kêu gọi mọi người cùng về, từ đó diễn ra cảnh mọi người cùng ra về đông vui như đi hội.

– Ý nghĩa:

+ Thể hiện sự thống nhất giữa quyền lợi, khát vọng cá nhân của anh hùng sử thi với quyền lợi, khát vọng chung của cộng đồng. Trước cuộc chiến họ phải sống rời rạc thành hai nhóm, nhưng nay họ đã có thể sống hòa hợp thành một nhóm người đông đảo, giàu mạnh hơn.

+ Thể hiện sự tuân phục, lòng cảm mến của cộng đồng đối với anh hùng. Từ đó, nói lên ý chí thống nhất của toàn thể cộng đồng dân tộc Ê-đê. 

+ Người anh hùng sử thi được toàn thể cộng đồng suy tôn tuyệt đối. Chiến thắng của anh hùng đã cho thấy sự vận động lịch sử của cộng đồng tộc người. Sự tự đánh giá của anh hùng đã trùng khớp với sự đánh giá của cộng đồng về chính anh ta.

Câu 3: Phần cuối đoạn trích chú ý nhiều đến việc miêu tả cảnh chết chóc hay cảnh ăn mừng chiến thắng? Hãy phân tích ý nghĩa của sự lựa chọn ấy để làm rõ thái độ, cách nhìn nhận của tác giả về ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.

Trả lời: 

– Phần cuối của đoạn trích tập trung vào việc miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng của người dân ở cả hai buôn làng. Trong đoạn này không hề có cảnh máu đổ ghê rợn, cảnh buôn làng tan tác sau cuộc chiến, lại sử dụng những kiểu câu cảm thán, hô ngữ, liệt kê biểu hiện vui sướng, tưng bừng tấp nập của sự giàu có. Điều này cho thấy sự lựa chọn của nghệ nhân sử thi là có dụng ý. Tuy kể về chiến tranh, nhưng đoạn trích vẫn hướng về cuộc sống thịnh vượng, no đủ giàu có, đoàn kết và thống nhất lớn mạnh của một cộng đồng tộc người. 

– Sự lựa chọn đó nói lên khát vọng lớn lao mà tộc người gửi gắm vào những cuộc chiến tranh, đồng thời tô đậm tầm vóc lớn lao của người anh hùng sử thi được mô tả bằng bút pháp phóng đại. Bức tranh ăn mừng hiện lên với trung tâm miêu tả là người anh hùng, sự lớn lao về tầm vóc cùng chiến công hiển hách của chàng như bao trùm toàn bộ không khí của buổi lễ, thiên nhiên và cộng đồng người Ê-đê.

Câu 4: Hãy phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các câu văn có dùng lối so sánh phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc.

Trả lời: 

– Trong đoạn trích, biện pháp so sánh là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất. Trong đó bao gồm lối so sánh tương đồng, lối so sánh được tăng cấp và lối so sánh tương phản. Đặc biệt là đoạn trích đã miêu tả “tài” của kẻ địch trước, rồi mới miêu tả tài của anh hùng sau như một biện pháp đòn bẩy, làm tăng tầm vóc của anh hùng.

– Các hình ảnh, sự vật đều được so sánh với thiên nhiên, vũ trụ. Dùng cái to lớn để so sánh, “đo” kích cỡ nhân vật anh hùng là một cách phóng đại nhằm đề cao tài năng, phẩm chất của anh hùng. Đây là một phong cách nghệ thuật quen thuộc của sử thi. 

Đó là cách soạn văn soạn văn Chiến thắng Mtao Mxây chi tiết mà bạn có thể tham khảo. Đừng quên xem thêm các bài soạn văn khác tại Ngữ văn lớp 10 hoặc trong list bài soạn văn 10

We on social :

Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *